Tiếng Việt
French

[SỐ ĐẶC BIỆT: Chuyện Khoa Pháp] – Số 6

“Có một nghề bụi phấn bám vào tay

Người ta bảo là nghề trong sạch nhất.

Có một nghề không trồng cây vào đất

Lại nở cho đời những đóa hoa thơm.”

Nghề nhà giáo – nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề của những người tạo ra thế hệ tương lai của đất nước. Chính vì gánh trên vai sứ mệnh đặc biệt như vậy, các thầy cô giáo Khoa Pháp – Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (Đại học Ngoại Ngữ ngày nay) đã làm việc không ngừng nghỉ với tinh thần nhiệt huyết, say mê, hết mình vì sinh viên.

Hiểu được điều này, Cô Nguyễn Vân Dung – cựu giáo chức – cựu sinh viên khóa 1972-1977, đã viết bài cảm nhận “Công ơn thầy cô như biển cả” thể hiện sự biết ơn của mình đối với những người Thầy, người Cô đã từng dạy dỗ, hết lòng vì bao thế hệ sinh viên thân yêu. Trong số #6 này, hãy cùng chúng tôi lắng nghe câu chuyện của Cô Vân Dung và cảm nhận về tình thầy trò thắm thiết trong đó!

CÔNG ƠN THẦY CÔ NHƯ BIỂN CẢ

Là sinh viên những năm đất nước còn khó khăn, bom đạn, mới hiểu hết được tình cảm thầy trò, những người thầy đã dạy dỗ chúng tôi trong suốt 5 năm ở Khoa Pháp. Ngay cả bây giờ, khi mà các bạn trong khối, trong lớp cũ, người còn người mất, khi mà đại đa số đã là ông bà nội, ngoại, tĩnh tâm ngồi viết những dòng này, những kỷ niệm xưa tràn về như mới hôm qua.

Picture1Lớp Pháp khóa 1972-1977

Chúng tôi từ Chuyên ngữ lên, học riêng một lớp. Sau năm thứ nhất, một số bạn phải chuyển sang lớp khác và một số ở lớp khác sang. Năm thứ 3, một số bạn nam lên đường nhập ngũ, « xếp bút nghiên lên đường chiến đấu ». Các buổi tiễn đưa, cười đó mà nước mắt tuôn trào, thương « bọn nó » vào nơi khói lửa.

Vì đã học tiếng Pháp trước khi vào đại học, trong khi các bạn khác trong khối chưa học tiếng Pháp bao giờ, nên lớp chúng tôi được Khoa ưu tiên cho học các thầy cô có nhiều kinh nghiệm.

Không sao quên được những buổi chữa bài của thầy Thuần, sao mà viết nhiều lỗi chính tả đến thế, sao lại chia sai động từ quá vậy, câu cú lung tung. Bài chữa đỏ lòe, làm hỏng cả cái bút bi một người bạn quý lắm vừa cho vì cứ thế là bôi lên trang giấy. Chúng tôi nên người từ đó. Không ai giận thầy cả mà tâm phục khẩu phục và quyết tâm noi gương thầy. Lúc thầy ốm, mắt lòa, đến thăm thầy, không nhìn thấy, nhưng thầy vẫn nhận ra chúng tôi qua tiếng nói. Tình thầy trò sao mà sâu đậm, làm chúng tôi chạnh lòng khi thấy tiêu cực quá nhiều trong ngành giáo dục những năm qua. Học trò làm gì có gì để biếu các thầy cô: xà phòng không có để giặt quần áo, dùng tạm quả bồ hòn, 5 mét vải một năm, mỗi bữa cơm tập thể, oái oăm sao, có 6 đứa mà chỉ cho có 5 miếng thịt dọi mỏng dính, ai ăn, ai đừng.

Mới biết vật chất không phải là tất cả.

Các thầy cô của chúng tôi đều thế, thương yêu sinh viên như con cháu trong nhà.

Nhớ thầy Quảng, dạy viết, có bạn muốn tả trần nhà lót giấy dầu, hỏi thì thầy bảo, « Sao dốt thế, là « cacher chaussure – dấu giày » mà không biết », còn « bọn con gái sao lại « cloud pierre – đanh đá » đến thế ». Có một lần, chuyên gia đến dự giờ. Để muốn chứng minh sinh viên mình giỏi, thầy bảo một số chúng tôi chuẩn bị trước bài nói ở nhà. Khi « Tây » đến, sinh viên lên nói liền một hơi bài đã viết. Lúc ra chơi, « Tây » lại gần và khen « Em đọc thuộc lòng tốt quá ».

Thầy Lê Đông dạy ngữ pháp, có cậu lên gặp, thắc mắc và mang ông Dubois ra trích dẫn. Thầy bảo, anh có mang cả ông Du Fer ra tôi cũng không sợ đâu nhé. Thầy chơi chữ thật hay, gỗ sánh sao được với sắt thép…

Thầy Oánh dạy dịch, vào đầu giờ, khi mà bọn con trai lười học gạ gẫm, bao giờ thầy cũng giành 10-15 phút để nói tình hình thời sự.  Thầy Cát dạy ngữ âm, khó quá, lên thư viện cả ngày mà điểm vẫn không cao. Thầy Vận, thầy Tường dạy văn học. Sao cái thời Trung cổ ở Pháp nó dài đến vậy, học mãi không hết. Đúng là « Đêm trường Trung cổ ».

Các thầy uyên bác quá, học bao giờ cho hết chữ của các thầy.

Khi những dòng này viết ra, các thầy đã về nơi thiên cổ. Chắc dưới đó các thầy vẫn gặp nhau, bàn luận về tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp. Các thầy đã truyền cho chúng con tình cảm và sự gắn bó với ngoại ngữ này. Xin các thầy cứ yên tâm, chúng con đã và đang nối tiếp các thầy, đã và đang giảng dạy cho biết bao thế hệ sinh viên Pháp ngữ. Mong rằng một phần nào đền đáp được công lao trời biển của các thầy.

Bài: Nguyễn Vân Dung

Ảnh: Kỷ yếu “Khoa NN VH Pháp – 50 năm xây dựng và phát triển”

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail