Tiếng Việt
French

[SỐ ĐẶC BIỆT: Chuyện Khoa Pháp] – Số 4

Những ngày tháng 9 cách đây 49 năm, Cô Phạm Thị Thật – cựu giáo chức – cựu sinh viên Khoa Pháp khóa 1973-1978 đã có một ngày tựu trường đầy háo hức và ý nghĩa. Thời gian qua đi nhưng ký ức về trường lớp, Thầy Cô, bạn bè Khoa Pháp ngày ấy vẫn luôn hiện hữu như một phần kí ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của Cô. Số #4 chuyên mục [SỐ ĐẶC BIỆT: Chuyện Khoa Pháp] hôm nay xin gửi tới bạn đọc một bài viết giàu cảm xúc của Cô Phạm Thị Thật với tiêu đề “KHOA PHÁP: KỈ NIỆM MỘT TÌNH YÊU”.

KHOA PHÁP : KỈ NIỆM MỘT TÌNH YÊU   

Một ngày cuối thu năm 1973, tôi đến trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội nhập học. Cầm trên tay tờ giấy báo vào khoa Pháp văn, tâm trạng của tôi khá hoang mang : sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nói đến ngoại ngữ, khi ấy tôi chỉ biết có hai thứ tiếng là Nga văn và Trung văn. Tiếng Pháp thế nào, nước Pháp  ở  đâu… tôi hoàn toàn không có mảy may ý niệm. Tôi chỉ phần nào yên tâm khi được biết có nhiều tân sinh viên cùng cảnh.

Lúc đó, Việt Nam đang trong giai đoạn những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khóa « vào 73 ra 78 » chúng tôi có may mắn là khóa đầu tiên không phải đi sơ tán, nhưng điều kiện sinh hoạt và học tập còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Chỗ ở là những căn nhà tập thể mái tranh vách đất nhồi rơm, nền đất lồi lõm chỗ cao chỗ thấp; bên trong, những chiếc giường hai tầng bằng sắt hoặc bằng gỗ kê sát nhau xung quanh tường. Ăn thì chủ yếu là hạt bo bo, bánh bột mì luộc hay ngô xay ; cơm độn mì sợi được coi là ‘cao cấp’. Mất điện mất nước là chuyện thường ngày ở Kí túc xá. Có những hôm chúng tôi phải đợi tới 12 giờ khuya hay 1 giờ sáng mới hứng được một xô nước để sáng mai có nước đánh răng rửa mặt kịp giờ đến lớp. Giáo trình là những bài khóa in rô-nê-ô trên giấy mặt trơn mặt ráp màu nâu sẫm. Sách trên thư viện vô cùng ít ỏi. Lớp học và Hội trường chủ yếu là những lán lá dựng rải rác xen lẫn với khu nhà ở của cán bộ nhân viên trong trường. Sang nhất lúc bấy giờ là được học trên khu giảng đường B4 hay trong phòng học tiếng ở Khu Hiệu bộ.

Cuộc sống khó khăn thiếu thốn là vậy mà chẳng hề thấy ai kêu khổ. Không những thế, chúng tôi còn nhìn cuộc sống rất hồng. Những tối mất điện, trên sân vận động lồi lõm chỗ cao chỗ thấp trước khu Kí túc xá, sinh viên trải chiếu học nhóm bên những ngọn đèn dầu… Cảnh tượng trông như sao sa. Thi thoảng, từ nhóm nào đó vang lên một giọng ca tha thiết cùng tiếng đàn ghi-ta trầm ấm, cả sân vận động im lặng lắng nghe để rồi rần rần vỗ tay tán thưởng khi bài ca kết thúc. Với tôi, đó là một cảnh tượng lãng mạn. Một sự lãng mạn dung dị, trong sáng, đáng yêu !

1.1.Khóa 73-78 tham gia Hội diễn văn nghệ Khoa nhân ngày Hội Pháp ngữ 1976

1.2.Khóa 73-78 tham gia Hội diễn văn nghệ Khoa nhân ngày Hội Pháp ngữ 19761.3.Khóa 73-78 tham gia Hội diễn văn nghệ Khoa nhân ngày Hội Pháp ngữ 1976Khóa 73-78 tham gia Hội diễn văn nghệ Khoa nhân ngày Hội Pháp ngữ 1976

Tinh thần lạc quan yêu đời ấy một phần do chúng tôi ý thức được những khó khăn tất yếu của thời chiến, nhưng trên hết là vì chúng tôi được sống trong môi trường thấm đẫm tình cảm ấm áp của thầy cô, của các anh chị lớp trên, của bạn bè đồng khóa… Những năm đầu chúng tôi  học thực hành tiếng với các thầy cô trẻ mới ra trường. Phong cách năng động, nhiệt tình, nghiêm túc mà vẫn thân tình của các thầy cô khích lệ chúng tôi rất nhiều. Những năm tiếp theo, chúng tôi học các môn lí thuyết do các thầy cô lớn tuổi hơn đảm nhiệm. Với kiến thức uyên thâm cùng sự lịch lãm, tính hóm hỉnh và thái độ tôn trọng người học… các thầy cô khiến chúng tôi nể phục và thấy cần cố gắng để không hổ danh ‘sinh viên khoa Pháp’. Tôi luôn xúc động khi nhớ về tình thân ái tương trợ nhau trong sinh viên khoa Pháp thời ấy. Ngoài giờ lên lớp, người ta thường xuyên thấy cảnh các anh chị khóa trên đang giảng lại bài hay ‘bày kinh nghiệm’ học tập cho các nhóm đàn em khóa dưới. Rất nhiệt thành.

Tôi đã sống năm năm sinh viên trong bối cảnh ấy – một bối cảnh tuyệt vời làm nảy sinh và lớn dần trong tôi niềm đam mê tiếng Pháp và tình yêu khoa Pháp.

Năm 1978, tôi tốt nghiệp đúng hạn và được giữ lại giảng dạy tại Khoa. Những ngày đầu đứng trên bục giảng, tôi thường nhớ về hình ảnh của các thầy cô và luôn cố  gắng, mong sao có thể mang đến cho các em sinh viên phần nhỏ những gì mà các thầy cô đã làm cho tôi. Rồi tôi được Ban Chủ nhiệm Khoa biên chế vào Tổ Văn học. Nỗi lo lớn : một sinh viên mới ra trường là tôi sẽ dạy Văn học Pháp, bộ môn đang được các thầy cô cao niên, có kinh nghiệm và kiến thức uyên sâu đảm nhiệm! Nhưng lí do của Ban Chủ nhiệm đưa ra quá xác đáng : cần có đội ngũ kế cận tiếp quản công việc của các thầy cô sắp đến tuổi nghỉ hưu.

3.Lớp A chụp ảnh với các thầy ngày ra trường (1978) (Thầy Canh Tân, Thầy Thuần, Thầy Quảng và Thầy Đông)Lớp A chụp ảnh với các thầy ngày ra trường (1978) (Thầy Canh Tân, Thầy Thuần, Thầy Quảng và Thầy Đông)

4.Lớp B chụp ảnh ngày ra trường (1978)Lớp B chụp ảnh ngày ra trường (1978)

Tôi bắt đầu công cuộc gây dựng vốn liếng về văn học Pháp và được Khoa ủng hộ, khích lệ. Đồng thời với việc nâng cao kiến thức ngôn ngữ ứng dụng thông qua chương trình đào tạo từ xa với trường ĐH Rouen, tôi được cử theo học văn học tại Pháp. Những năm tháng học Licence và Maitrise tại trường ĐH Paris X- Nanterre,  những năm tháng làm DEA và Doctorat tại trường ĐH Paris VII- Denis Diderot… Một khoảng thời gian với biết bao trải nghiệm vui, buồn. Buồn vì phải xa nhà, xa chồng con trong điều kiện thiếu vắng thông tin. Vui vì được học tập trau dồi kiến thức mình cần. Nhiều tác phẩm văn học Pháp in dấu đậm hơn, đẹp hơn trong tôi sau khi tôi có cuộc trò chuyện với tác giả hoặc được xem trực tiếp dưới hình thức phim ảnh hay ca kịch. Tôi được khám phá một nền Văn học nổi tiếng thế giới cả về bề dày lịch sử và giá trị nghệ thuật. Ấy là chưa kể giá  trị của các tác phẩm văn học nói chung không chỉ nằm ở vấn đề mĩ học ngôn từ, mà, như một triết gia từng nhận xét, « người ta có thể tìm thấy tất cả các chuyên ngành trong tác phẩm văn chương ». Cảm ơn Khoa Pháp đã cho tôi cơ hội mở mang trí óc đặng vững tin trong hoạt động nghề nghiệp. Với mong muốn đáp lại ân tình ấy, trong hơn ba mươi năm công tác tại Khoa, tôi luôn cố gắng mang hết khả năng của mình truyền tải tới các thế hệ sinh viên những kiến thức đã tích lũy được, cũng như lan tỏa tình yêu tiếng Pháp và văn học Pháp.

10PGS.TS Phạm Thị Thật

Thời gian trôi và thế sự chuyển luân. Khoa Pháp – trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội ngày tôi nhập học nay mang tên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại nơi từng là khu Kí túc xá với những căn nhà mái lá, vách thưng, nền đất nay tọa lạc một công trình kiến trúc kiểu Pháp hiện đại, đẹp đẽ và thanh nhã. Các bạn sinh viên khoa Pháp vào trường có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, được trang bị những điều kiện tốt nhất cho học tập và phát triển tài năng.

Năm nay Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp tròn 60 tuổi. Với hơn nửa thế kỉ hoạt động, Khoa đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ thuộc các chuyên ngành ngôn ngữ, văn học, dịch thuật và phương pháp giảng dạy. Từ chiếc nôi Khoa Pháp, các thế hệ sinh viên tỏa ra khắp mọi miền đất nước, tham gia hoạt động và thành công trong nhiều lĩnh vực giáo dục, chính trị, quân sự, ngoại giao… Họ là niềm tự hào của Khoa Pháp, cũng như Khoa Pháp là mái nhà thân thương và là niềm tự hào của họ.

Truyền thống và 60 năm kinh nghiệm của các thế hệ thầy cô đi trước đang được đội ngũ cán bộ giáo viên trẻ của Khoa tiếp nối, phát huy và phát triển. Là những người thông minh, năng động, nhanh nhạy trong tiếp cận kiến thức và công nghệ thông tin, họ có đầy đủ điều kiện để tự tin đảm nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong hoàn cảnh mới. Không chỉ nhiệt tình, tâm huyết với tiếng Pháp và với nghề dạy học, họ còn biết gìn giữ các nét riêng của ‘dân’ Khoa Pháp: lịch lãm, hóm hỉnh, kính trên thương dưới. Tất cả tạo nên một hình ảnh Khoa Pháp đẹp về nhân cách, sáng về tri thức. Khoa tiếng Pháp đã, đang và mãi là một trung tâm đào tạo tầm cỡ, một điểm hẹn tinh thần trong tâm thức của những người từng học tập, công tác tại đây.

Hà Nội, 30 tháng 7 năm 2022

PGS.TS Phạm Thị Thật

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail