Chuỗi tập huấn « Tích hợp, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên qua các hoạt động dạy học » – Kĩ năng đọc và viết
Tiếp nối buổi thảo luận trước, nhóm giáo viên đến từ tổ bộ môn Chất Lượng Cao khoa Sư phạm tiếng Anh giới thiệu các hoạt động bổ trợ kĩ năng đọc. Báo cáo viên Phạm Thùy Linh trình bày về hoạt động đọc mở rộng – reading challenge. Đây là một hoạt động hướng đến xây dựng thói quen đọc thường xuyên các văn bản bằng tiếng nước ngoài. Các giáo viên tập trung thảo luận việc áp dụng hoạt động dường như chỉ dành cho các sinh viên đã có trình độ tiếng cao này vào các bộ môn dành cho sinh viên của khoa Pháp, các em có thể chưa tiếp xúc nhiều với tiếng Pháp. Giáo viên khoa Pháp đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới kiểm tra đánh giá và áp dụng hoạt động cho nhiều trình độ khác nhau.
Cô Phạm Thùy Linh giới thiệu hoạt động bổ trợ kỹ năng đọc
Thầy Trưởng khoa Đinh Hồng Vân trao đổi ý kiến
Báo cáo viên Đỗ Hạnh Chi trình bày về hoạt động đọc phản biện, không chỉ hướng tới phát triển những kĩ năng bổ trợ thiên về đọc ngoại ngữ và trình bày lại mà còn tạo nền móng cho tư duy phản biện của sinh viên, điều đang còn thiếu với đa phần sinh viên Việt Nam. Phần trình bày này thu hút nhiều câu hỏi không chỉ đến từ các giáo viên dạy thực hành tiếng mà còn là mối quan tâm trong nhiều bộ môn khác. Hai báo cáo viên không chỉ giải đáp liên quan tới kiến thức hay điểm số mà sinh viên nhận được, các cô cũng đi sâu vào việc những hoạt động này giúp đỡ sinh viên về phương diện tình cảm, thái độ khi học tập ra sao.
Phần thứ hai của buổi tập huấn cuối cùng trong chuỗi ba buổi chú trọng tới kĩ năng viết, một trong các kĩ năng khó đối với sinh viên và cũng đặt ra nhiều vấn đề trong khi giáo viên giảng dạy. Báo cáo viên Vũ Thị Thanh Vân trình bày về các nguyên tắc xây dựng hoạt động bổ trợ cũng như giới thiệu chung các dạng hoạt động viết xuyên suốt trong bốn kì học đầu tiên của sinh viên.
Cô Vũ Thị Thanh Vân trình bày chuỗi hoạt động bổ trợ kỹ năng đọc
Hoạt động được chú trọng trình bày trong phần này là « Writing Portfolio », một hình thức làm việc nhóm hướng đến xây dựng bài luận về chủ đề cụ thể. Hoạt động này sẽ phát triển không chỉ kĩ năng viết mà còn có kĩ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình, v.v… Báo cáo viên không chỉ giới thiệu phương thức tiến hành hoạt động mà còn giải thích kĩ càng cách kiểm tra đánh giá của giáo viên cũng như tự kiểm tra đánh giá của sinh viên.
Báo cáo viên Nguyễn Huy Hoàng tập trung trình bày hoạt động « Vocab sharing ». Mục đích của hoạt động này nhằm phát triển vốn từ vựng theo chủ đề cho sinh viên. Một hoạt động khác được giới thiệu là « Model sharing », chú trọng hướng sinh viên nhận biết và phân tích cấu trúc của một bài viết nhằm áp dụng lại trong các hoạt động viết sản sinh. Nhóm báo cáo viên cũng giải thích thêm việc áp dụng những hoạt động này sẽ ưu tiên dành cho sinh viên có trình độ tiếng như thế nào do độ khó của các hoạt động tăng dần lên.
Thầy Nguyễn Huy Hoàng giải thích cách ứng dụng hoạt động « Model sharing »
Buổi tập huấn kết thúc bằng phần hỏi đáp của các giáo viên khoa Pháp và nhóm giáo viên khoa Sư phạm tiếng Anh nhằm khai thác những điểm có lợi và các mặt hạn chế của những hoạt động bổ trợ này trong các hoàn cảnh khác, tại các lớp học có trình độ khác nhau.
Giảng viên khoa tiếng Pháp xem các sản phẩm
của sinh viên Chất Lượng Cao khoa Sư phạm tiếng Anh
Chuỗi tập huấn ba buổi của nhóm giáo viên tổ bộ môn Chất Lượng Cao khoa Sư phạm tiếng Anh đã diễn ra thành công tốt đẹp, đem lại nhiều suy ngẫm cho các giảng viên khoa tiếng Pháp và cũng mang tới những dự định làm việc kết hợp liên khoa trong tương lai.
Người thực hiện : Trịnh Bích Thủy