Tiếng Việt
French

THEO CHÂN HÀNH TRÌNH SINH VIÊN KHOA PHÁP TẠI TRỜI TÂY

𝐓𝐇𝐄𝐎 𝐂𝐇𝐀̂𝐍 𝐇𝐀̀𝐍𝐇 𝐓𝐑𝐈̀𝐍𝐇 𝐂𝐔̉𝐀 𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐕𝐈𝐄̂𝐍 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐏𝐇𝐀́𝐏 𝐓𝐀̣𝐈 𝐓𝐑𝐎̛̀𝐈 𝐓𝐀̂𝐘 🇫🇷🇨🇦🤩
“Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân” 💖
Mỗi một hành trình sẽ mang đến cho ta những trải nghiệm đáng quý, những bài học không chỉ qua sách vở. Và có lẽ, không chỉ riêng chúng mình mà không ít các bạn sinh viên có mong ước được một lần đặt chân tới một chân trời mới, khám phá những điều mới.
🌟 Chúng mình đã từng được nhận được rất nhiều những câu hỏi đến từ các bạn học sinh, các bạn tân sinh viên và cả những bạn đang học tập tại khoa Pháp rằng “Liệu chúng mình có cơ hội được học tập trao đổi tại Pháp không nhỉ?” hay “Muốn đạt được học bổng du học thì nên bắt đầu từ đâu?” 🤔
🌟Để phần nào mang đến cho bạn những chia sẻ chân thực và bổ ích nhất. Chúng mình đã kịp liên hệ ngay tới các anh chị “tiền bối”. Họ không chỉ là những cựu sinh viên/sinh viên có những thành tích xuất sắc mà họ còn là những người đã đạt được những xuất học bổng vô cùng giá trị tại các trường Đại học tại Pháp, hay đã và đang học tập, làm việc tại Pháp 😍
Chúng mình hy vọng rằng, qua những chia sẻ đến từ các anh chị có thể giải đáp phần nào những thắc mắc hay hơn thế nữa là truyền động lực tới các bạn sinh viên, tân sinh viên. 🥰
366563944_672498698247592_6743680531943578245_n
Chị có thể giới thiệu qua về bản thân mình không ạ?
Mình là Huyền Minh, cựu sinh viên K52 Khoa NN&VH Pháp, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện mình đang học Thạc sĩ ngành Khoa học Giáo dục (Sciences de l’éducation) tại Université Paris Cité, Cộng hòa Pháp.

✨ Nhân duyên nào đã đưa chị đến với quyết định học Thạc sĩ tại Pháp ạ?
Mình đã mong muốn đi trao đổi tại Pháp từ năm 2 Đại học, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên chưa thể thực hiện được. Sau đó, việc vừa đi học vừa đi làm giúp mình hiểu thêm về sở thích của bản thân, hiểu được sau này mình muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào, vậy nên mình quyết định tiếp tục học Master tại Pháp để tiến gần tới ước mơ hơn.

✨ Những khó khăn mà chị gặp phải trong quá trình học tập tại Pháp là gì ạ?
Điều mình luôn thấy khó khăn đó là dậy sớm để đi học vào mùa đông. Do ở Paris nên mình phải ngồi tàu khá lâu, mà ra khỏi nhà lúc trời còn tối đen và rất lạnh nên mình phải đặt 15 báo thức mỗi sáng :))

✨ Kỉ niệm đáng nhớ nhất của chị trong quá trình học tập tại Pháp là gì ạ ?
Kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình là cùng lớp đi xem trận bán kết World Cup 2022. Tụi mình ăn uống, trò chuyện và hòa mình vào bầu không khí của toàn thành phố. Mình cũng chơi thân hơn với một vài người bạn mà ở trường ít nói chuyện. Sau khi hết trận bóng lại dẫn nhau ra đường hát và ăn mừng với mọi người. Đây thực sự là trải nghiệm không thể nào quên đối với mình. Ngoài ra, mình còn có cơ hội khám phá vẻ đẹp của Pháp và những nước trong châu u cùng bạn bè.

✨ Chị có lời nào muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên có mong muốn được tham gia học tập tại Pháp trong tương lai không ạ?
Nếu mong muốn chỉ là mong muốn, chỉ để đó mà không học thêm, làm thêm, rèn luyện thêm thì dù các bạn đến Pháp bằng cách nào đi chăng nữa cũng sẽ rất khó để hòa nhập và phát triển bản thân tại đây. Vậy nên, hãy tích cực trau dồi kiến thức, kỹ năng, khi các bạn có đủ năng lực và quyết tâm, mình tin chắc rằng các bạn sẽ tới Pháp sớm thôi.

Khánh Linh
Mình tên là Khánh Linh, đến từ lớp QH2020F3 khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Hiện mình đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại trường Đại học Artois, Pháp.

✨ Nhân duyên nào đã đưa chị đến với việc du học ạ?
Mình rất thích văn hoá và kiến trúc Pháp, nên ngay từ những ngày học cấp 3 mình đã chủ động tìm hiểu về các chương trình trao đổi tại Pháp và mạnh dạn nộp hồ sơ đăng ký vào khoa Pháp ULIS vì biết rằng ở đây có rất nhiều cơ hội giao lưu quốc tế dành cho các bạn sinh viên. Sau khi trúng tuyển tại khoa Pháp, mình đã chờ đợi và theo dõi rất sát sao tất cả các email giới thiệu về chương trình trao đổi, và cảm thấy cực kỳ hào hứng. Trong lần đầu tiên đăng ký xét tuyển hồ sơ, mình đã không đủ điều kiện và dừng chân ở vòng phỏng vấn do khả năng tiếng chưa đủ đáp ứng. Nửa năm sau đó, mình đã cho bản thân thêm một cơ hội nữa, và trong lần này mình đã may mắn có được tấm vé tới Pháp mà mình đã mong đợi từ lâu.

✨ Những khó khăn mà chị gặp phải khi đi du học là gì ạ?
Như bao bạn du học sinh khác, mình nghĩ khó khăn chung của chúng mình khi sang một đất nước mới trong khoảng thời gian đầu đều sẽ là ngôn ngữ. Mặc dù trước đó mình đã được học và rèn luyện hai năm tiếng tại khoa Pháp, nhưng khi áp dụng kiến thức vào đời sống hàng ngày tại một quốc gia sử dụng 100% tiếng Pháp, thì mọi thứ vẫn rất khó khăn. Mình đã mất gần hai tháng đầu để làm quen với việc nghe giảng và đối thoại với thầy cô, bạn bè trên lớp. Và tới bây giờ thì mình vẫn phải cố gắng trau dồi mỗi ngày để có thể giao tiếp trôi chảy, trơn tru với người bản địa ở đây.

✨ Kỉ niệm đáng nhớ nhất của chị trong quá trình học tập tại Pháp là gì ạ?
Kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình có lẽ là lần thuyết trình về món ăn truyền thống ở Việt Nam với thầy cô và bạn bè quốc tế trong một chương trình giao lưu văn hoá giữa các nước. Vào thời điểm đó ở Việt Nam, mọi người cũng đang rục rịch chuẩn bị đón giao thừa và bày biện các món ăn ngày Tết. Trong khi ấy ở Pháp, hội sinh viên Việt Nam chúng mình thì vẫn đang đi học những ngày cuối cùng trong năm, như bao ngày bình thường khác. Cảm giác lúc đó rất lạ lẫm, mình có nói với bạn bè quốc tế rằng mình nhớ Việt Nam rất nhiều, và mình mong được đón năm mới theo giờ Việt Nam với các bạn quốc tế trong phần kết thúc của bài thuyết trình. Đây là lần đầu tiên mình xa Việt Nam đến vậy, chắc phải gần 10 nghìn km về khoảng cách địa lý; nhưng đồng thời đây cũng là lần đầu mình cảm thấy gần gũi với Việt Nam đến thế, về mặt tâm hồn. Đó là một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất với mình trong quãng thời gian đi du học. Mong rằng năm học tới, mình và các bạn du học sinh Việt Nam sẽ được đón nhận thêm nhiều trải nghiệm và niềm vui hơn nữa.

✨ Chị có lời nào muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên có mong muốn được tham gia học tập, trao đổi tại Pháp không ạ?
Mình biết rằng trước những trải nghiệm hay quyết định lớn thì chúng mình luôn có những băn khoăn và lo lắng nhất định, lo lắng về ngôn ngữ, về khả năng hòa nhập trong môi trường quốc tế, về cuộc sống tự lập ở một nơi cách Việt Nam cả ngàn cây số,…Mình cũng đã từng đối diện với những nỗi lo đó trước khi sang Pháp, nhưng sau khi vượt qua thì có cả một chân trời mới đang đợi chúng mình ở phía trước. Mình luôn coi việc được sống và học tập ở Pháp là một cơ hội quý giá mà bố mẹ và các thầy cô đã tạo điều kiện hết sức để mình có cơ hội phát triển. Vậy nên các bạn dù lo lắng hay băn khoăn, thì hãy cứ mạnh dạn và đừng giới hạn cơ hội của bản thân. Sau mỗi bước đi của các bạn luôn thường trực sự động viên, giúp đỡ của gia đình và thầy cô khoa Pháp. Mình tin là sinh viên khoa Pháp rất năng động và có tinh thần hòa nhập tốt, học hỏi nhanh. Chúc các bạn có những trải nghiệm thật quý giá trong những năm tháng đại học phía trước.

nGÂN hÀ
Chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình không ạ?

Chị xin tự giới thiệu, chị tên là Lương Ngân Hà, cựu sinh viên K49 Khoa Ngôn ngữ và văn hoá Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Song song với chương trình học CLC tại ULIS, chị cũng đồng thời là cựu sinh viên ngành Luật học tại Khoa Luật – ĐHQGHN (nay là Trường Đại học Luật – ĐHQGHN).
Sau khi tốt nghiệp cả hai ngành học vào năm 2020, chị có cơ hội được sang Pháp học tiếp Thạc sĩ ngành Luật tư theo diện học bổng toàn phần France Excellence 2020 của Chính phủ Pháp và đã trở về Việt Nam sau 01 năm sinh sống, học tập ở xứ người.
Hiện nay, chị đang là giảng viên Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội. Cũng mới đây thôi, một lần nữa, chị lại có may mắn giành được học bổng toàn phần France Excellence 2023 của Chính phủ Pháp cho 03 năm tiến sĩ luật tại Pháp.

✨ Nhân duyên nào đã đưa chị đến với việc apply học bổng Tiến sĩ ạ?

Qua những chia sẻ ngắn gọn ở trên, chắc hẳn các em có thể thấy chị đã tự xác định cho mình một lộ trình học Đại học – Thạc sĩ – Tiến sĩ tương đối rõ ràng. Do đó, đối với chị, việc apply tiến sĩ không phải là một nhân duyên, mà là một mục tiêu.
Từ khi còn nhỏ, chị đã luôn hình dung về chặng đường học luật và làm luật của mình trong tương lai. Nhưng cùng với đó, với truyền thống gia đình có bố mẹ đều là dân Pháp ngữ, chị cũng gắn bó với tiếng Pháp gần 20 năm nay rồi. Ngôn ngữ Pháp không phải là lĩnh vực chính mà chị theo đuổi, nhưng chắc chắn là cây cầu kết nối chị với nước Pháp cũng như việc lựa chọn nước Pháp là điểm đến cho bậc thạc sĩ, và sắp tới đây sẽ là bậc tiến sĩ ngành luật.
Nhờ những kinh nghiệm có được từ lần đầu tiên apply học bổng toàn phần bậc thạc sĩ, chị đã tận dụng thật tốt trong lần apply thứ hai cho bậc tiến sĩ. Thật may mắn vì 02 lần đều được học bổng gọi tên ngay lập tức. Chị nghĩ rằng, trong trường hợp của chị, mọi thứ đến như nó vốn phải vậy, bởi vì mình đã lên kế hoạch thật kỹ lưỡng và lâu dài để đạt được nó.

✨ Những khó khăn mà chị gặp phải trong quá trình apply học bổng là gì ạ?

Chị nghĩ rằng mỗi chương trình học bổng đều đặt ra những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, bất kể là chương trình học bổng nào thì nhìn chung, tất cả mọi ứng viên (trong đó bao gồm có chị) đều phải đối mặt với những khó khăn như sau:
– Xác định điểm bắt đầu: Chị có một lợi thế, đó là kinh nghiệm 02 lần chinh phục học bổng toàn phần. Dù vậy, ai cũng có “lần đầu làm chuyện … ấy” đầy bỡ ngỡ. Trong lần đầu của mình vào năm 2020, chị tham gia vào nhiều diễn đàn về học bổng du học Pháp và phải đối mặt với khối lượng thông tin quá lớn về các chương trình học bổng khác nhau, các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, cũng như vô số những lời khuyên từ nhiều tiền bối đến từ rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Điều đó khiến cho chị cảm thấy hoang mang, không biết phải lắng nghe ai, phải chuẩn bị những gì cho hồ sơ của mình và phải lựa chọn chương trình học bổng như thế nào sao cho phù hợp.

Bài học chị rút ra được, đó là trước hết phải lắng nghe bản thân. Các ứng viên phải biết mình và hiểu mình, phải nắm bắt được những điểm mạnh và điểm yếu trong hồ sơ của mình để từ đó, lựa chọn chương trình học bổng có những tiêu chí phù hợp với mình nhất. Để dễ hình dung hơn, các em có thể “khai bút” cho hồ sơ apply của mình bằng một chiếc C.V, cũng là một cơ hội để tự mình điểm lại những bằng cấp, chứng chỉ, thành tích và kỹ năng mình đang có và đang thiếu, rồi đối chiếu với các tiêu chí của các chương trình học bổng tiềm năng, trên cơ sở đó vừa tự hoàn thiện những khiếm khuyết, vừa lựa chọn “cửa” nào tiệm cận với mình nhất.

-Theo dõi và nắm bắt các trình tự, thủ tục apply: Đây chắc chắn là cơn “ác mộng” đối với mọi ứng viên học bổng. Tuy nhiên, đừng lo! Hãy theo dõi thật sát sao và cập nhật thường xuyên trang chủ của chương trình học bổng, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn du học trên Facebook và đừng quên đăng ký tham dự những buổi hội thảo tư vấn du học (nếu có). Ngoài ra, các em đừng ngại hỏi. Hãy đặt câu hỏi cho chính các admin trên website của chương trình học bổng, đăng bài trên các diễn đàn, hội nhóm hoặc đôi khi, trong trường hợp thực sự cần thiết, tìm và trực tiếp liên hệ với một hoặc một vài cá nhân cụ thể đã có kinh nghiệm xin học bổng của chương trình mà các em đang quan tâm để được giải đáp những thắc mắc chính đáng.

– Chuẩn bị hồ sơ apply: Làm thế nào để viết motivation letter ngắn gọn, súc tích mà vẫn thu hút? Một đề cương nghiên cứu (research proposal) phải bao gồm những nội dung gì? Bảng điểm thế nào thì được gọi là “đủ” và “đẹp”? Hoạt động ngoại khoá có quan trọng hay không? v.v. Điểm chung của mọi chương trình học bổng là đều yêu cầu:
a) bảng điểm đẹp (đặc biệt là điểm các môn chuyên ngành); b) ngoại ngữ tốt;
c) ứng viên có động lực (motivation) rõ ràng. Đối với tiêu chí a) và b), các ứng viên có thể đọc ở mục điều kiện apply của các chương trình học bổng. Trong trường hợp học bổng không ghi rõ yêu cầu về điểm trung bình chung tối thiểu, các ứng viên cố gắng đảm bảo điểm của mình ít nhất ở mức điểm giỏi (3.2/4.0). Tiêu chí c) là tiêu chí khó xác định nhất. Biểu hiện của động lực ở mỗi ứng viên vô cùng đa dạng. Động lực đó có thể là ở việc toàn bộ chặng đường học tập của ứng viên luôn nhất quán với một ngành nghề, lĩnh vực. Động lực đó cũng có thể là ở sự nỗ lực vượt khó của ứng viên để đạt được mục tiêu đề ra… Các ứng viên phải thể hiện được động lực của mình ở mọi khía cạnh của hồ sơ apply.

Lời khuyên của chị là, bên cạnh việc chuẩn bị một bảng điểm đẹp và một nền tảng ngoại ngữ tốt, yếu tố động lực cũng rất quan trọng. Hãy dung hòa được “thứ mà các em làm tốt nhất” và “thứ mà các em thích làm nhất”, trên cơ sở xem xét lại chặng đường học tập đã qua của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Không có một mẫu số chung nào cho các hồ sơ apply. Chính những nhu cầu, mong muốn và nỗ lực thực tế của các em sẽ kiến tạo nên giá trị và chất lượng hồ sơ của các em.

✨ Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị trong quá trình học tập tại Pháp?
Không biết có thể gọi là kỷ niệm hay không, nhưng ấn tượng nhất với chị có lẽ là đại dịch Covid. Chị đáp xuống sân bay Charles de Gaulle tháng 8/2020 trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở châu u, trải qua 01 kỳ học online dù chỉ sống cách trường có 10 phút đi bộ và quay trở lại Việt Nam vào tháng 9/2021, thời điểm châu Âu đã ban hành những chính sách nới lỏng giãn cách xã hội còn Việt Nam bước sang giai đoạn “đóng cửa”.
Nghĩ lại vẫn thấy mình … liều thật. Nhưng đúng là phải có những ngày “đóng cửa” mới càng thêm yêu những ngày “mở cửa”. Ở thời điểm đó, dịch bệnh khiến cuộc sống khó khăn và bức bối hơn, nhưng cũng chính trong tâm dịch, chị cảm thấy con người càng nỗ lực xích lại gần nhau và đồng hành cùng nhau để vượt qua. Bản thân mỗi người cũng có thêm khoảng lặng để tự nhìn lại mình và tự hiểu mình hơn. Nhìn theo hướng lạc quan, chị nghĩ đó là cái chúng ta “được” qua đại dịch này.
✨ Lời nhắn nhủ tới các bạn sinh viên có mong muốn được apply học bổng du học Pháp?
Chúc tất cả các em may mắn và thành công trên chặng đường apply học bổng du học tại Pháp. May mắn là ở các em, còn nếu muốn biết bí quyết thành công chinh phục học bổng thì đừng ngại liên hệ trực tiếp với chị nhé!

Thu Trang
Chị có thể giới thiệu qua về bản thân mình không ạ?
Chị tên là Nguyễn Thị Thu Trang, sinh viên QH2018 – K52 khoa tiếng Pháp. Chị từng là sinh viên trao đổi tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, thành phố Montpellier, Pháp năm 2021.

✨ Nhân duyên nào đã đưa chị đến với việc du học ạ?
Thú thực thì cho đến khi học năm 2 Đại học, chị vẫn chưa nghĩ gì đến chuyện du học do không đủ tự tin vào bản thân. Tuy nhiên, đến khi học các môn chuyên ngành năm 3, chị được học cô Hoài Anh và cô Thanh Hoa, 2 cô đã truyền cảm hứng cho chị rất nhiều nên khi thấy thông báo của khoa về chương trình học trao đổi tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, chị đã ứng tuyển và được chọn sang Pháp học.

✨ Những khó khăn mà chị gặp phải khi đi du học là gì ạ?
Chị nghĩ du học sinh nào khi mới sang cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng với chị thì các thủ tục hành chính là thứ khiến chị mệt mỏi nhất vì thời gian xử lý khá lâu và các giấy tờ ở Pháp cũng tương đối phức tạp.

✨ Kỉ niệm đáng nhớ nhất của chị trong quá trình học tập tại Pháp là gì ạ?
Kỷ niệm thì có rất nhiều nhưng điều khiến chị nhớ nhất là những ngày đầu đi học ở trường vì không khí lớp học rất khác. Các thầy cô thường hay đặt câu hỏi để tương tác với sinh viên và khuyến khích sinh viên có những câu trả lời mang tính cá nhân, các bạn trong lớp thì rất năng nổ và chủ động, chăm đặt câu hỏi và thậm chí là không ngần ngại tranh luận với giảng viên. Chính nhờ môi trường học năng động như vậy mà chị cũng đã trở nên tự tin và bạo dạn hơn.

✨ Chị có lời nào muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên có mong muốn được tham gia học tập trao đổi tại Pháp không ạ?
Tham gia học trao đổi là một cơ hội tuyệt vời để các bạn trải nghiệm văn hóa và thực hành tiếng Pháp, trở nên cởi mở và độc lập hơn. Tuy nhiên thì các bạn nên tìm hiểu trước về lối sống, con người và môi trường ở đây vì Pháp không phải là một đất nước toàn màu hồng như mọi người vẫn thấy trên phim ảnh, tránh bị shock văn hóa.

Thùy Linh
Chị Trần Nguyễn Thùy Linh – Mọi người hay biết đến chị với biệt danh là Linh Trần. Chị là sinh viên khóa QH2019 của khoa Pháp tại ULIS và đồng thời là sinh viên trao đổi tại ngôi trường Paul Valéry III, Montpellier tại Cộng hòa Pháp năm 2021-2022.

✨ Nhân duyên nào đã đưa anh chị đến với việc du học ạ?
Chị cảm thấy mình rất may mắn vì được đi trao đổi, học tập tại đất nước xinh đẹp, nổi tiếng với ngôn ngữ của Molisa. Thật ra, chị chọn đi trao đổi tại Pháp vì ngay từ khi chị chọn con đường học và khám phá ngôn ngữ Pháp tại ULIS, thì du học tại Pháp đã là một mục quan trọng trong quá trình học tập của chị. Chính mong ước đó đã trở thành động lực thúc đẩy chị nỗ lực học tiếng Pháp ở khoa. Bên cạnh đó, chị cũng thấy may mắn khi nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô trong khoa để chạm đến giấc mơ trao đổi tại Pháp. Các thầy cô chính là những người đã truyền cảm hứng giúp chị bắt đầu yêu ngôn ngữ mà chị được học tại ULIS này.

✨ Những khó khăn mà anh/ chị gặp phải khi đi du học là gì ạ?
8 tháng không phải là một khoảng thời gian dài nhưng nó vẫn đủ để đọng lại trong chị rất nhiều những kỉ niệm đáng nhớ tại Pháp. Một trong số đó chính là kỷ niệm về buổi học đầu tiên tại ngôi trường Paul Valéry III. Là một sinh viên trao đổi, lần đầu học tập tại một môi trường có phong cách học tập rất khác biệt với Việt Nam, chị tin chắc rằng ai cũng sẽ bị ấn tượng bởi những tiết học đầu tiên ở nước ngoài. Vì vậy, nếu các bạn tò mò và mong muốn được học tập, trải nghiệm văn hóa tại quốc gia xinh đẹp Pháp này, thì hãy cố gắng trau dồi tiếng Pháp của bản thân nhé.

✨ Anh/chị có lời nào muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên có mong muốn được tham gia học tập trao đổi tại Pháp không ạ?
Chọn học ngôn ngữ Pháp đã là một thành công của các bạn rồi. Nhưng nếu các bạn cũng đang ấp ủ giấc mộng được học tập và trao đổi tại Pháp giống như chị, thì hãy biến giấc mơ thành động lực để thực hiện hóa nó. Chỉ cần nỗ lực học tiếng Pháp và tích cực tham gia các hoạt động của CLB hay của Đoàn Hội, thì chị tin rằng các bạn sẽ tỏa sáng và chạm đến ước mơ du học của bản thân.

Trang linh
Chị có thể giới thiệu qua về bản thân mình không ạ?
Mình tên là Trang Linh, sinh viên khoá QH2018 của khoa Pháp. Mình vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ năm 1 tại Université Lumière Lyon 2 chuyên ngành Truyền thông. Hiện tại mình đang thực tập tại phòng Truyền thông – Sự kiện tại Nhà xuất bản về luật cạnh tranh và kinh tế Concurrences tại Paris. Sắp tới thì mình sẽ theo học chương trình thạc sĩ năm 2 ngành Tổ chức sự kiện tại ISCOM (Institut Supérieur de Communication et Publicité).

✨ Nhân duyên nào đã đưa chị đến với việc du học ạ?

Du học Pháp luôn nằm trong kế hoạch của mình từ khi mình bắt đầu học tiếng Pháp từ năm lớp 1. Sau khi được trải nghiệm du lịch và trại hè tại Pháp, mình đã quyết định sẽ đi du học tại đây sau khi mình hoàn thành 3 năm học tại khoa Pháp.

✨ Những khó khăn mà chị gặp phải khi đi du học là gì ạ?

Khó khăn lớn nhất của mình chắc chắn là nhớ gia đình và bạn bè, ngoài ra còn phải tự làm mọi thứ từ A đến Z (thủ tục hành chính, việc nhà). Thêm vào đó thì với sinh viên quốc tế, tìm công việc thực tập có lẽ là một thử thách lớn đối với mình khi chưa có kinh nghiệm tại Pháp và mình còn học trái ngành nữa.

✨ Kỉ niệm đáng nhớ nhất của chị trong quá trình học tập tại Pháp là gì ạ ?

Kỉ niệm đáng nhớ nhất chắc là mình được đi du lịch, khám phá rất nhiều thành phố ở Pháp và quanh châu u cùng với bạn bè. Ngoài ra trong khoảng thời gian thực tập, công ty mình cũng tổ chức nhiều sự kiện và hội thảo lớn ở nhiều nơi vô cùng danh giá như ở tòa Quốc hội Pháp (Assemblée nationale) và Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp (Ministère de l’Économie, des Finances et de la Souveraineté industrielle et numérique), những nơi mà mình không bao giờ nghĩ có thể đặt chân đến.

✨ Chị có lời nào muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên có mong muốn được tham gia học tập trao đổi tại Pháp không ạ?

Hãy xác định mục tiêu và kế hoạch cụ thể trước khi làm bất cứ điều gì. Đi du học đối với mình là một thử thách lớn vì để hòa nhập vào một môi trường mới không hề dễ dàng do có những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và lối sống. Vậy nên việc trang bị kiến thức là điều cần thiết và phải có quyết tâm thì mới có thể vượt qua được chính bản thân mình. Muốn thôi chưa đủ, phải có mục tiêu và quyết tâm rõ ràng.

Tú Lyhị Vương Nữ Tú Ly – cựu sinh viên của lớp 17F1, K51, định hướng Biên-Phiên dịch khoa Pháp; cựu sinh viên trao đổi của trường UQAM (Université du Québec à Montréal) khóa 2021-2022. Hiện tại chị đang là sinh viên ngành đầu bếp của một trường dạy nghề ở Monréal, Québec. Ngoài ra, hiện tại chị đang làm việc fulltime tại khách sạn Marriott.

✨ Nhân duyên nào đã đưa anh chị đến với việc du học ạ?
Tình cờ trong năm học thứ 2 tại ULIS, khoa mình có liên kết với ngôi trường UQAM. Trường UQAM đã cung cấp thông tin về học bổng trao đổi của chính phủ Canada dành cho các nước trong khối ASEAN trong đó có Việt Nam. Chị và các bạn cùng khóa K51 đã đăng ký nhưng khi đang trong quá trình làm hồ sơ để xét duyệt học bổng thì dịch Covid diễn ra trong suốt 2 năm. Thế nên, tại thời điểm đó bọn chị phải tạm gác lại 3 năm và chị đặt chân đến Pháp du học sau năm thứ 4 học tại ULIS của mình.

✨ Những khó khăn mà anh/ chị gặp phải khi đi du học là gì ạ?
Chị nghĩ là khi đi du học ở nước nào cũng vậy, các bạn du học sinh sẽ có những khó khăn nhất định. Thứ nhất, về tiếng Pháp, khi học ở ULIS gần như sẽ thiên về tiếng Pháp của người Pháp hơn là tiếng Pháp Québec của người Canada. Lúc ban đầu mới sang chị cũng rất bỡ ngỡ vì người Canada ở đây họ sẽ có những phát âm và từ ngữ khá khác biệt so với tiếng Pháp chúng ta được học. Và mình cũng cần thời gian để thích nghi với sự khác biệt ấy. Chị thấy rằng ngôn ngữ cũng là một cái rào cản ban đầu khá là lớn đối với các bạn du học sinh khi mới sang nước ngoài du học. Thứ hai, về tính cách của chị thì chị cũng là một người khá nhút nhát, đây là lần đầu tiên chị đi xa nhà đến vậy. Chị đã phải học cách thích nghi với cuộc sống bên Canada, mạnh mẽ và tự tin hơn. Ngoài việc học ra, thời gian đó chị cũng đi làm và có những dự định riêng của bản thân nên quỹ thời gian hầu như khá bận rộn. Và không thể không kể đến thời tiết ở Canada rất khắc nghiệt, thường ở đây mùa đông có thể rơi xuống -40 độ và tỉnh ban của chị cũng là một trong số những tỉnh ban thời tiết lạnh giá nhất với một du học sinh từ một nước nhiệt đới như Việt Nam qua Canada thì ban đầu khá hoang mang.

✨ Kỉ niệm đáng nhớ nhất của anh/ chị trong quá trình học tập tại Pháp là gì ạ ?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị khi đi du học ở Canada là những hoạt động ở trong trường bởi vì các thầy cô giúp đỡ các sinh viên rất nhiều và thầy cô ở trường UQAM rất nhiệt tình. Có nhiều khi bọn chị làm việc rất khuya đến 2,3h sáng nhưng mà thầy cô vẫn giúp đỡ gửi bài tập cho bọn chị. Và chị vẫn còn nhớ kỉ niệm khi chị đi làm công việc đầu tiên được trải nghiệm để kiếm thêm nguồn thu nhập, chi phí sinh hoạt ở Canada. Hơn thế nữa, chị làm quen được với nhiều người bạn mới từ nhiều quốc gia trên thế giới. Và đó cũng là một trong những điểm khởi đầu để giúp chị định hướng được mục tiêu của mình hiện tại.

✨ Anh/chị có lời nào muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên có mong muốn được tham gia học tập trao đổi tại Pháp không ạ?
Lời nhắn: Chị nghĩ rằng đi du học là một trải nghiệm rất thú vị trong những năm tháng tuổi trẻ. Và mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau: vui có, buồn có, lo lắng có. Tuy nhiên, chị nghĩ điều này đều phụ thuộc vào mục tiêu và ý chí đi du học của các em. Khi các bạn đã chọn 1 điều gì đó, chị mong là các bạn sẽ kiên trì, giữ vững được định hướng của mình và theo đuổi ước mơ đó thật nhiệt huyết. Trong quá trình làm hồ sơ, chị cũng đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng chị đã cố gắng kiên trì đến cuối cùng để có thể được đi du học Canada. Có một câu nói mà chị rất tâm đắc: “ Nếu bạn là một chú chim nhưng bạn không có một đôi cánh quá khỏe thì bạn có thể dậy sớm và tập bay nhiều hơn so với con chim khác”. Cho nên, chị mong các bạn sẽ luôn luôn hết mình, học tập một cách hết mình để đạt được mục tiêu của bản thân mình nhé.

Thực hiện : Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên khoa NN&VH Pháp – ULIS, VNU
Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail