[SỐ ĐẶC BIỆT: Chuyện Khoa Pháp] – Số 5
Đến với số #5 của Chuyên mục [SỐ ĐẶC BIỆT: Chuyện Khoa Pháp], hãy cùng tìm hiểu về đời sống sinh viên Khoa Pháp cách đây khoảng 55 năm về trước – trong những năm kháng chiến ác liệt qua đoạn trích “Ngày ấy … ” trích từ bài cảm nhận “Ngày ấy … bây giờ” của Thầy Nguyễn Trọng Tân – cựu giáo chức – cựu sinh viên khoa Pháp (khóa 1966-1971).
Ngày ấy …
Đó là mùa thu năm 1966. Đế quốc Mĩ đã mở rộng chiến tranh phá hoại ra nhiều tỉnh, thành phố ở Miền Bắc. Các trường đại học ở Hà Nội phải sơ tán về các vùng quê để tránh mọi tổn thất, đau thương.
Mùa thu, mùa cảm hứng sáng tác của thi ca, cũng là mùa tựu trường của học sinh, sinh viên. Các chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, sau khi tốt nghiệp trung học đều có hoài bão được học lên đại học. Những tưởng sẽ được học ở các giảng đường to rộng, ăn ở tại các kí túc xá cao tầng, sinh sống trong khung cảnh náo nhiệt của thủ đô thì lại được thông báo nhập học tại một điểm thôn dã xa xôi.
Các tân sinh viên của Khoa Pháp văn (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng vậy. Năm học đại học đầu tiên của họ (1966-1967) ở thôn Triệu Xuyên, xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ, Hà Tây cũ). Năm học thứ hai chuyển về xã Nhật Quang (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Năm học thứ ba lại về xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Và năm thứ tư thì được chuyển về Cầu Giấy, Hà Nội, ở tại nhà A1, thuộc khu vực Đại học Sư phạm Hà Nội bây giờ cùng với các sinh viên năm cuối của hai khoa bạn (Khoa Anh và Khoa Nga). Thật là như bộ đội, cuộc đời là một chuỗi đi dài…
Các nữ sinh khóa 66-71 và các thầy Bỉnh, thầy Thụ, thầy Đức, thầy Nguyên, thầy Quảng (hàng trên từ trái sang phải) và thầy Cát (ngồi giữa)
Ngày ấy… chúng tôi đều ở nhờ nhà dân nơi sơ tán. Để thắt chặt mối quan hệ với chủ nhà, ngoài giờ học, mọi người đều dành thời gian giúp đỡ nhà chủ. Lớp học là các lán tranh, tre, nứa, lá, bàn ghế đơn sơ. Giáo trình do các thầy tự soạn, in ronéo trên giấy xấu, rất khó đọc.
Bữa ăn của sinh viên mới đạm bạn làm sao! Tiêu chuẩn lương thực thì nửa gạo kho, nửa bột mì. Vì thế, để tiện nấu nướng, nhà bếp đã cho ăn cơm vào bữa trưa, bữa tối là bột mì nắm lại đem luộc. Thức ăn chủ yếu là canh rau lõng bõng (vẫn nói đùa là canh toàn quốc). Hai nắm mì luộc như hai nắp chuông, cố mà nhai vì để nguội thì cứng như đá, nếu đem ném gà thì gà cũng chết.
Tôi còn nhớ một chuyện cười ra nước mắt. Đó là khi sơ tán ở xã Văn Môn (một xã có mức sống khá do có nghề nấu rượu và đúc nhôm), một bà chủ nhà thấy sinh viên ăn uống quá kham khổ đã bảo con: “Mày mà láo thì lớn lên tao cho làm sinh viên!!”. Và vì năm nào cũng phải di chuyển khoa nên hè chỉ được nghỉ ít ngày ở nhà, còn phải lên khoa lao động cùng các sinh viên khóa sau. Nào dỡ các lán học và bếp để lấy vật liệu làm ở nơi đến, khuân vác bàn ghế học, sách vở của thư viện, nồi niêu, xoong chảo của nhà bếp… năm nào cũng “cõng” khoa trên vai như vậy.
Ngày ấy… năm nào chúng tôi cũng phải tham gia lao động công ích. Năm ở Phù Cừ thì đi đắp đê phòng lụt hàng tuần dưới trời mưa tầm tã. Năm đã về Cầu Giấy thì đi đào hồ Thành Công. Rất gian khổ và vất vả song mọi người đều vui vẻ, đoàn kết và làm việc hết mình. Các thầy ở Khoa hầu hết tuổi đã cao, thương yêu sinh viên như con mình. Thầy ra thầy, trò ra trò như mong muốn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Một số sinh viên Khóa 66-71 với các thầy Cát, thầy Đức, thầy Nguyên, thầy Bỉnh, thầy Thụ, thầy Quảng
Thời gian trôi đi nhanh chóng. Mùa hè 1971, chúng tôi thi tốt nghiệp ra trường, khóa tốt nghiệp đầu tiên hệ đào tạo 5 năm của trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Một kỳ thi rất nghiêm túc. Tất nhiên cũng có người trượt. Âu cũng là chuyện bình thường trong thi cử. Khoảng 90 sinh viên như đàn chim rời tổ mẹ, tung cánh bay đi muôn phương. Một số lớn đi dạy, theo đúng nghề sư phạm, một số tham gia hoạt động ở ngành nghề khác. Tạm biệt nhau và hẹn gặp lại. Quy luật của cuộc sống là thế. Và như ai đó đã viết câu thơ sau:
Hoa nở rồi lại tàn
Trăng tròn rồi lại khuyết
Bèo hợp lại li tan
Người gần lại li biệt …
Bài: Nguyễn Trọng Tân
Ảnh: Kỷ yếu “Khoa NN VH Pháp – 50 năm xây dựng và phát triển”