Tiếng Việt
French

Sinh viên khoa Pháp trải nghiệm thi nấu ăn tại Ngày hội ẩm thực Pháp ngữ năm 2021

Tiếng Pháp không chỉ được biết đến như ngôn ngữ của tình yêu, tiếng Pháp còn là ngôn ngữ đưa người học tới với cộng đồng Pháp ngữ đa văn hóa. Khi tìm hiểu về văn hóa của một quốc gia, ẩm thực luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm và là con đường thú vị dẫn ta đến gần hơn với bản sắc và con người của nền văn hóa đó. Trên tinh thần đó, hoạt động «Journée de la cuisine francophone» (Ngày hội ẩm thực Pháp ngữ) do giáo viên tổ Tiếng Pháp 1 và Tiếng Pháp 2 phối hợp tổ chức,  diễn ra vào ngày 15/1/2021 trong khuôn viên khoa Pháp, đã mở màn cho các hoạt động trải nghiệm dành cho sinh viên CLC QH2019 và QH2020 trong năm mới 2021.

1

Ngày 15/1, tại Hội trường Vũ Đình Liên, phát biểu khai mạc chương trình, TS. Đàm Minh Thủy, Phó trưởng khoa NN&VH Pháp gửi lời cảm ơn các vị khách quý, các thầy cô và các em sinh viên đã nhiệt tình hưởng ứng hoạt động trải nghiệm và nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm về văn hóa trong quá trình học tập của sinh viên tại khoa Pháp.

2

Về phía khách mời, Đại sứ quán Pháp và Phái đoàn Wallonie Bruxelles đã cử đại diện tới gặp gỡ, giao lưu với sinh viên và tài trợ nhiều phần quà cho Cuộc thi. Đại diện cho Trường ĐHNN – ĐHQG HN có thầy Vũ Văn Hải, Đảng ủy viên trường ĐHNN, Trưởng phòng CTCT-HSSV. Bà Lucile Bruand, Tùy viên hợp tác giáo dục của Đại sứ quán Pháp và bà Lê Tuyết Nhung, đại diện đến từ Phái đoàn Wallonie Bruxelles đã có phần giới thiệu rất lôi cuốn về nền ẩm thực của hai quốc gia Pháp, Bỉ – hai quốc gia có số người sử dụng tiếng Pháp đông nhất tại Châu Âu.  Hai vị khách mời nữ cũng tham gia Ban giám khảo cùng với TS. Đàm Minh Thủy và TS. Đặng Thị Thanh Thúy (Phó trưởng khoa NN&VH Pháp) để đánh giá các món ăn trong Cuộc thi nấu món ăn Pháp ngữ  – hoạt động chính của chương trình.

3

4

5

Tại Khoa tiếng Pháp sinh viên không chỉ học về ngôn ngữ mà còn được tìm hiểu về văn hóa, phát triển các kỹ năng mềm, gắn liền hoạt động học tập với trải nghiệm thực tế, hòa mình vào môi trường học tập năng động, sáng tạo. Những món ăn đặc sắc thường xuất hiện trong bài học trên lớp đã có dịp được bước ra từ trang sách và được chế biến bởi chính bàn tay khéo léo của các bạn sinh viên. Không khí chuẩn bị cho hoạt động đã được hâm nóng từ nhiều tuần trước đó, khi các thầy cô và các lớp cùng lên ý tưởng, chọn lựa các món ăn và ghi hình vidéo chuẩn bị.

6 7 7a 7b 7c

26 món ăn đến từ 13 lớp đã tham gia tranh tài trước sự có mặt của 250 sinh viên và các thầy cô giáo và các vị khách mời. Không chỉ giới hạn trong các món ăn nước ngoài vốn đã quen thuộc với người Việt như bánh flan, bánh crêpe, khoai tây chiên…, các đội thi đã thử sức với nhiều món ăn đòi hỏi kỹ thuật nấu ăn như các loại bánh ngọt, bò bít-tết, salad thập cẩm đến từ những quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ như Pháp, Bỉ,  Ý, Tây Ban Nha… Không quên giới thiệu văn hóa Việt Nam đến các khách mời, nhiều đội thi lựa chọn các món ăn Việt như nem rán, phở cuốn, chè bánh trôi, bún bò Nam bộ … khiến các bạn bè quốc tế vô cùng thích thú. Các món ăn không chỉ được đánh giá qua cách bài trí và hương vị mà còn dựa trên phần thuyết trình trực tiếp bằng tiếng Pháp của các đội thi. Đặc biệt, sinh viên Đức Trung lớp 20F4 đã đem tới cuộc thi bài hát do em tự sáng tác dành riêng cho Ngày hội ẩm thực : “La crêpe va réchauffer nos coeurs” với phần minh họa vui nhộn từ các bạn trong lớp.

8 9

Giải Nhất, Nhì, Ba, giải Vidéo xuất sắc và một số giải thưởng khác đã được trao cho các lớp nhằm khen thưởng và khích lệ sự nhiệt tình và ham hiểu biết của các bạn sinh viên. Chương trình kết thúc bằng bữa tiệc liên hoan đầm ấm của các thầy cô và các bạn sinh viên.

10

11

Không chỉ là dịp để các « siêu đầu bếp » sinh viên thể hiện sự khéo léo và sáng tạo, đến với Ngày hội ẩm thực Pháp ngữ, người tham gia được khám phá rất nhiều thông tin bổ ích về nguồn gốc của các món ăn,  cảm nhận tình yêu của thầy trò khoa NN&VH Pháp với tiếng Pháp và văn hóa cộng đồng Pháp ngữ. Ngày hội ẩm thực cũng đã  tạo nên một không gian liên văn hóa, giúp sinh viên chủ động khám phá và hình thành ý thức về sự đa dạng văn hóa và sự giao thoa văn hóa giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ. Sự kiện cũng thể hiện được sự nỗ lực của tập thể giáo viên khoa Pháp đang tham gia giảng dạy chương trình CLC trong việc đổi mới và làm phong phú các hoạt động dạy và học.

12

Ảnh và bài: Nguyễn Anh Tú, Bùi Mai Ly, Lê Thị Bảo Nhung

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail