NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ “ĐỐI THOẠI LIÊN VĂN HÓA” – MỘT KHÔNG GIAN ĐỐI THOẠI CỞI MỞ VÀ BỔ ÍCH
Ngày 4/3/2024, buổi nói chuyện chuyên đề “Đối thoại liên văn hóa” đã được tổ chức tại Hội trường Vũ Đình Liên, mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Pháp ngữ năm 2024 và cũng là hoạt động của Cộng đồng chuyên môn (COP) Văn hóa – Văn minh. Sự kiện do Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN (ULIS), Đại học Công giáo miền Tây (UCO) (Pháp), Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Phòng Thương Mại và Công nghệ Pháp tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN (ULIS) có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hợp tác và phát triển; TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Trưởng Phòng Khoa học – Công nghệ; Ban Chủ nhiệm, các cán bộ, giảng viên và sinh viên QH2021 Khoa NN&VH Pháp.
Về phía Đại học Công giáo miền Tây (UCO) có Hiệu trưởng danh dự Dominique Vermersch, và các diễn giả : TS. Anne-Sophie ARRAITZ, Phụ trách đào tạo Thạc sĩ M1 & M2 Ngôn ngữ học ứng dụng, Chuyên ngành Ngôn ngữ, Giao tiếp đa văn hóa và Chiến lược kinh doanh và TS. Thomas Anh Ngọc HOÀNG, Ngành Khoa học Thông tin và Truyền thông.
Buổi nói chuyện cũng vinh dự được đón tiếp PGS.TS Dương Văn Quảng, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và UNESCO, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam; bà Sophie MAYSONNAVE, Tham tán hợp tác và hoạt động văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; TS. Rémi NGUYEN, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt và bà Ngô Thị Hồng Hải, Chủ tịch Công ty Cổ phần thương mại đầu tư và công nghệ Hoà Nam.
Mở đầu tọa đàm, PGS.TS Lâm Quang Đông có bài phát biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của yếu tố liên văn hóa trong môi trường giảng dạy và học tập ngoại ngữ.
Trong phiên toàn thể của tọa đàm, giảng viên và sinh viên tham dự được nghe 3 tham luận về chủ đề “Đối thoại liên văn hóa”. Trong phần trình bày đầu tiên của TS. Thomas Anh Ngọc HOÀNG về những lý thuyết liên quan đến “Liên văn hóa” và “Giao thoa liên văn hóa”, ông đã có những phân tích sâu sắc thông qua nhiều ví dụ cụ thể nhằm giúp giảng viên và sinh viên hiểu rõ nguồn gốc của khái niệm “Liên văn hóa” thông qua sự tiến triển của từ “Tôi” trong văn hóa Việt Nam qua các thời kì lịch sử. .
TS. Anne-Sophie ARRAITZ tiếp nối tọa đàm với một tham luận về những yếu tố liên văn hóa thường gặp trong quá trình giảng dạy tiếng Pháp trong môi trường đại học tại Pháp. Bà cho biết, bà đã phải thay đổi cách tiếp cận giảng dạy trong môi trường đa văn hóa và xây dựng hệ sinh thái liên văn hóa trong nhiều năm nay.
Để khép lại phiên toàn thể, TS. Đàm Minh Thủy, Trưởng khoa NN&VH Pháp đã có những chia sẻ về thực tiễn giảng dạy và học tập những môn học liên quan đến yếu tố liên văn hóa tại một số cơ sở đào tạo bậc đại học tại Việt Nam, cũng như một số phương pháp tăng cường kỹ năng giao tiếp liên văn hóa đã được triển khai tại Khoa NN&VH Pháp.
Sau phiên toàn thể là hội nghị bàn tròn với 2 chủ đề chính được đưa ra thảo luận, đó là “Giao tiếp liên văn hóa trong lĩnh vực ngoại giao” và “Giao tiếp liên văn hóa trong môi trường doanh nghiệp”. Phần thảo luận gồm các khách mời : PGS.TS Dương Văn Quảng, bà Sophie MAYSONNAVE, TS. Rémi NGUYEN và bà Ngô Thị Hồng Hải bàn luận về những trải nghiệm, những khó khăn và xung đột do sự khác biệt văn hóa trong hai lĩnh vực Ngoại giao và Doanh nghiệp, cũng như chia sẻ các biện pháp thương lượng với đối tác quốc tế và quản lý nhân sự trong môi trường đa văn hoá để giải quyết thành công các vấn đề.
Các sinh viên rất hào hứng với chủ đề này, các em chăm chú lắng nghe và đặt nhiều câu hỏi cho diễn giả, như:
“Bà có bao giờ khóc khi bị “sốc văn hóa” lúc 20 tuổi và đi học ở Ấn độ không?” (câu hỏi dành cho bà Sophie MAYSONNAVE),
hay “Ở nhà, con gái thầy xưng “Con” hay xưng “Tôi” với thầy ?” (câu hỏi dành cho TS. Thomas Anh Ngọc HOÀNG),
hoặc “Chị bán rượu cho ai khó hơn, cho người Pháp hay người Việt ?” (câu hỏi cho bà Ngô Thị Hồng Hải)
Tọa đàm “Đối thoại liên văn hóa” đã tạo một không gian đối thoại cởi mở giữa các nhà sư phạm, nhà nghiên cứu, các đại diện doanh nghiệp và sinh viên trong quá trình nghiên cứu trong nước và quốc tế về những khía cạnh giao thoa liên văn hóa, nhằm xây dựng những nội dung giảng dạy thú vị và phù hợp với người học trong thời đại mới. Bên cạnh đó đó, buổi nói chuyện chuyên đề cũng đóng góp một phần vào việc phối hợp và phát huy sự năng động của các nghiên cứu về giao thoa liên văn hóa Pháp – Việt bởi đây là nơi mà giảng viên, sinh viên và những người tham gia đào tạo có thể thảo luận và lên những ý tưởng nghiên cứu mới về các cách tiếp cận những yếu tố liên văn hóa ở nhiều góc độ khác nhau. Những kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực giao tiếp liên văn hóa sẽ là hành trang giúp sinh viên tự tin vững bước vào thị trường lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa, đất nước hội nhập.