BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA MÔN QUẢN TRỊ KINH DOANH LỮ HÀNH & BÀI HỌC VỀ NGHỆ THUẬT QUẢN TRỊ
Du lịch là ngành « công nghiệp không khói » đang nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Với nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao và cơ hội việc làm rộng mở, ngành Quản trị kinh doanh lữ hành đã và đang là ngành học thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ hiện nay – một thế hệ năng động, đầy sáng tạo, ưa thích dịch chuyển và khám phá thế giới.
Vừa qua, trong buổi học đầu tiên của môn Quản trị kinh doanh lữ hành, lớp 19F6.DL đã được tham gia một tiết học vô cùng thú vị với sự có mặt của cô Nguyễn Thu Hà – Tổ trưởng tổ Tiếng Pháp chuyên ngành và vị khách mời đặc biệt – anh Tạ Duy Báu – diễn giả – Giám đốc công ty lữ hành Horizon Vietnam Travel.
Mở đầu buổi học, anh Báu đã đưa ra một câu hỏi đầy thử thách: “Theo các bạn sinh viên, “quản trị” là gì?”. Mỗi thành viên trong lớp đã đưa ra những định nghĩa khác nhau. Nhưng tựu trung lại, quản trị kinh doanh lữ hành bao gồm các hoạt động liên quan đến quá trình quản lý và điều hành doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là thiết kế mới, làm mới các sản phẩm du lịch để áp ứng nhu cầu thay đổi theo thời cuộc của khách hàng và tạo ra xu hướng trải nghiệm du lịch mới để thỏa mãn khách hàng. Quản trị còn là kỹ năng đòi hỏi việc chịu trách nhiệm thiết kế, quản lý và điều hành công việc của nhiều bộ phận, phòng ban khác để cùng thống nhất phát triển các sản phẩm du lịch, quảng bá sản phẩm, cung cấp dịch vụ trước, trong và sau khi bán tour, chăm sóc khách hàng…
Sinh viên học về quản trị kinh doanh lữ hành sẽ được trang bị kiến thức sâu rộng về du lịch, văn hoá, kỹ năng nghiệp vụ vững chắc về nhân sự, thiết kế tour, điều hành tour, quảng bá và kinh doanh sản phẩm du lịch, xây dựng chiến lược và quản trị rủi ro.
Bên cạnh đó, anh Tạ Duy Báu còn nhấn mạnh về một bộ phận vô cùng quan trọng mà nhiều doanh nghiệp cần chú trọng: chính là bộ phận quản trị rủi ro khi các vấn đề xảy ra (ví dụ khi khách hàng không hài lòng về một khâu hay một sự việc gì đó trong quá trình du lịch). Đây là một bộ phận nhỏ bé nhưng có thể quyết định sự sống còn của cả một doanh nghiệp.
Anh đã đưa ra một ví dụ rất thực tế về một số doanh nghiệp lữ hành lớn trên thế giới đã không chịu làm mới, không kịp chuyển mình với công nghệ số mà bị phá sản. Đó cũng là những minh chứng cho thấy sự khốc liệt của thương trường khi những toan tính sai lầm trong chiến lược kinh doanh đều phải trả giá bằng chính sự sống còn của doanh nghiệp.
Sau tiết học đầy bổ ích này, các bạn sinh viên đã học được rất nhiều điều mới mẻ và thú vị, trong đó phải kể đến một kiến thức vô cùng quan trọng về quản trị: đó không chỉ là quản lý về lợi nhuận, làm hài lòng khách hàng, mà hơn thế nữa, làm sao để phát triển nó trở thành một nghệ thuật, để có thể phát huy toàn bộ sức mạnh khi quản lý doanh nghiệp. Lớp 19F6.DL hy vọng sẽ tiếp tục được tham gia nhiều buổi học với chuyên gia đầy bổ ích và lý thú như vậy.