Tiếng Việt
French

BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN SƯ PHẠM VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO GIẢNG VIÊN KHOA NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA PHÁP

Trong hai ngày 19 và 20 tháng 2 năm 2025, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp – Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, phối hợp với các chuyên gia của Đại học Aix-Marseille (Pháp) tổ chức chuỗi bồi dưỡng chuyên môn sư phạm – nghiên cứu khoa học dành cho giảng viên Khoa. Khoa NN&VH Pháp hân hạnh chào đón GS. Fatima Chnane-Davin, GS. Jean-Pierre Cuq trong đợt bồi dưỡng này. 

z6337983056978_2b8b16d0128ec7ae261c8f51a24dbdb8

Chương trình tập huấn bao gồm ba chuyên đề chính, mang đến những góc nhìn chuyên sâu và gợi ý ứng dụng thực tiễn:

🔹 Biến thể ngôn ngữ trong cộng đồng Pháp ngữ (La variation linguistique en francophonie)
Trong buổi trao đổi, GS. Cuq đã giới thiệu khái niệm “norme” (tiêu chuẩn) và “variation” (biến thể) trong ngôn ngữ, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu chuẩn trong giảng dạy, học tập và sử dụng ngoại ngữ. Ông chỉ ra rằng biến thể không chỉ xuất hiện trong lời nói mà còn trong ngôn ngữ viết, tùy thuộc vào bối cảnh, điều kiện và nhu cầu sử dụng tiếng Pháp. Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa các biến thể giúp người học đạt đến trình độ thông thạo hơn trong giao tiếp và sử dụng tiếng Pháp. Đồng thời, việc nhận diện và thích ứng với những biến thể này cũng giúp người dạy và người học có phương pháp tiếp cận linh hoạt hơn, phù hợp với sự đa dạng của cộng đồng Pháp ngữ, từ đó nâng cao hiệu quả giao tiếp trong nhiều tình huống khác nhau.

IMG_4775

🔹 Biến thể văn hóa trong cộng đồng Pháp ngữ (La variation culturelle en francophonie)
Bên cạnh ngôn ngữ, văn hóa cũng có sự thay đổi theo khu vực, lịch sử và bối cảnh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giảng dạy và giao tiếp. Trong buổi trao đổi, GS. Chnane-Davin đã giúp các giảng viên nhận diện những vấn đề quan trọng trong giao tiếp liên văn hóa giữa người học và người dạy trong cộng đồng Pháp ngữ. Qua đó, các giảng viên có cơ hội nâng cao nhận thức, cải thiện phương pháp giảng dạy và phát triển kỹ năng giao tiếp liên văn hóa. Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với những chia sẻ tâm huyết và thực tiễn, giúp các giảng viên hiểu sâu hơn về sự đa dạng văn hóa trong môi trường giáo dục bằng tiếng Pháp. Những kiến thức thu nhận được không chỉ hỗ trợ việc giảng dạy mà còn giúp tạo ra môi trường học tập cởi mở, khuyến khích sự thấu hiểu và tôn trọng giữa các nền văn hóa.

z6334492015507_884a8cfc0d63e0737ea9ba22996f6188

🔹 Phương pháp nghiên cứu trong giảng dạy ngoại ngữ (Éléments  méthodologiques  pour la recherche en didactique des langues)
Nghiên cứu về giảng dạy ngoại ngữ đòi hỏi phương pháp tiếp cận khoa học, hệ thống và chặt chẽ. Trong buổi trao đổi, các chuyên gia đã giới thiệu các nguyên tắc và công cụ nghiên cứu quan trọng, giúp giảng viên và các nhà nghiên cứu định hướng rõ ràng khi thực hiện các đề tài khoa học ở nhiều cấp độ. Đồng thời, chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng những dự án nghiên cứu quy mô, nhấn mạnh sự cần thiết của việc gắn kết nghiên cứu với thực tiễn nhằm nâng cao tính ứng dụng. Đặc biệt, những gợi ý và phân tích về việc đưa các bài báo khoa học ra những địa chỉ quốc tế uy tín đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các giảng viên và nhà nghiên cứu.

IMG_4772

Chuỗi các buổi bồi dưỡng tập huấn không chỉ mang lại kiến thức chuyên môn sâu sắc mà còn tạo cơ hội để giảng viên – các nhà nghiên cứu trao đổi trực tiếp với các chuyên gia quốc tế. Đây là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp. 

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail