Minh Ngân-Quán quân cuộc thi SLAM thơ 2017
Xuất thân trong một gia đình công chức nhà nước, Minh Ngân, cô sinh viên năm thứ 2 Khoa Pháp – Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội-, có lẽ được thừa hưởng gien nghệ thuật từ mẹ vốn trước đây là sinh viên trường Đại học Văn hóa và niềm đam mê tiếng Pháp từ bà ngoại và mẹ. Được tiếp xúc với tiếng Pháp từ nhỏ do ông bà chỉ bảo, rồi được mẹ dạy dỗ ở nhà, Minh Ngân đã bộc lộ thiên hướng học tiếng từ rất sớm và tình yêu của Ngân đối với tiếng Pháp cứ lớn dần lên theo thời gian. Ngưỡng của đại học rộng mở với nhiều lựa chọn nhưng Minh Ngân đã chọn duy nhất khoa Pháp- ĐHNN- ĐHQG Hà Nội vì biết rằng đây là nơi giảng dạy và đào tạo tiếng Pháp hàng đầu cả nước. Những năm trên giảng đường đại học, Minh Ngân đã sớm thể hiện là một cô sinh viên giỏi giang đa tài. Tích cực tham gia các hoạt động đoàn hội từ cấp 3 và những kinh nghiệm tổ chức tích lũy được đã sớm trở thành tiền đề đưa Ngân đến với trọng trách Phó chủ tịch Hội sinh viên ĐHNN. Và cô sinh viên Minh Ngân đa tài, giỏi đàn violon và đàn tranh càng được mọi người biết đến khi giành giải nhất cuộc thi Slam thơ 2017 và trở thành đại diện của thanh niên Việt Nam đến với cuộc thi Slam thơ quốc tế diễn ra tại Paris vào tháng 5 này.
Slam thơ là một hình thức nghệ thuật rất mới đối với người yêu thơ ở Việt Nam. Slam thơ được nhà thơ người Mỹ Marc Smith sáng tạo ra vào năm 1986 với mục đích mang thơ tới gần khán giả hơn, khiến chúng trở nên sinh động và lôi cuốn. Thể loại trình diễn thơ này gồm những quy tắc tối giản, cho phép nhà thơ tự do biểu diễn tác phẩm của mình một cách mộc mạc nhất mà cũng cuốn hút nhất. Slam, theo Marc Smith, là kết quả của cuộc hôn phối giữa nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật thơ. Đề cập đến tất cả các chủ đề, từ rộng lớn như xã hội, đời sống, cho tới gần gũi như gia đình, tình bạn, tình yêu, Slam là một sự chia sẻ bằng thơ, là sự gặp gỡ của ngôn từ và cảm xúc một cách chân thành, tự nhiên. Vì vậy, Slam là phút giây gặp gỡ, phút giây chia sẻ. Theo dòng cảm xúc, người viết Slam sáng tác thơ và biểu diễn chúng trên sân khấu, cho khán giả tự do khám phá vũ trụ thu nhỏ của mình.
Thật vinh dự khi Khoa Pháp có hai thành viên vào chung kết cuộc thi Slam thơ diễn ra vào tối 25 tháng 3 năm 2017 tại Viện Pháp là Nguyễn Hoàng Dương và Nguyễn Minh Ngân. Bằng những cảm xúc của mình, Minh Ngân đã thổi hồn cho bài thơ của mình và truyền cảm xúc đó đến khán giả để tất cả đều ghi nhận sự xuất sắc của Minh Ngân trong đêm chung kết và bình chọn cho cô sinh viên năm thứ 2 Khoa Pháp là quán quân của Slam thơ Việt Nam. Sau cuộc thi này, Minh Ngân sẽ có cơ hội đến Pháp, nhưng không chỉ để thăm quan mà còn tham dự Slam thơ quốc tế với 24 đại diện đến từ các quốc gia khác nhau.
( Minh Ngân và Hoàng Dương, sinh viên khoa Pháp, lọt vào chung kết Slam thơ Việt Nam)
Nhân đây, nhóm giáo viên và sinh viên Khoa Pháp đã có cuộc gặp gỡ trò chuyện với Minh Ngân
SV: Cơ duyên nào đưa bạn đến với cuộc thi thơ SLAM thơ do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức?
MN: Mình vô tình được biết đến cuộc thi này nhờ thầy Đinh Hồng Vân – Trưởng Khoa Pháp ĐHNN . Thầy biết sơ qua về cuộc thi và bảo mình lên L’espace -Trung tâm Văn hóa Pháp để tìm hiểu kĩ về cuộc thi và về khoa phổ biến cho các bạn trong khoa tham gia. Nhờ đó mình biết đến cuộc thi này và thật sự ban đầu mình tham gia là đi để cho biết, để học hỏi xem Slam thơ là gì thôi chứ không có ý định sẽ đi tranh tài. (cười) Nhưng sau những buổi workshop, làm việc với Ban tổ chức chương trình mình càng thấy Slam thơ rất hay. Slam thơ là nghệ thuật kết nối giữa người đọc thơ với thính giả, khán giả. Không quan trọng mình là ai, da màu hay da trắng, tôn giáo gì, đang mặc gì, lứa tuổi mình ra sao, đang làm nghề gì, … mọi người đều có thể tham gia và khán giả lại chính là giám khảo chứ không phải là những nhà thơ thực thụ. Chính vì sức hấp dẫn độc đáo này của Slam thơ nên mình đã quyết định nghiêm túc tham dự cuộc thi.
SV: Làm thơ bằng tiếng Việt đã khó và bằng tiếng Pháp còn khó hơn, bạn có nghĩ như vậy không? Bạn đọc bài thơ gì ở cuộc thi chung kết?
MN: Vâng. Nhất là với một người chưa bao giờ làm thơ, như mình. Bắt đầu từ khi dấn thân vào cuộc thi này mình mới phát hiện ra khả năng chơi với con chữ tiềm ẩn này của mình. Quả thật làm thơ bằng tiếng pháp rất khó. Từ cách lựa chọn từ ngữ cho hợp tai, đem lại âm điệu rồi tìm từ ấy bằng tiếng pháp, kết nối lại thành câu, khổ thơ, bài thơ lại còn phải đúng ngữ pháp, từ vựng dùng phù hợp với văn cảnh chưa, có tối nghĩa không… nói chung là khó thật! ( cười)
Tại cuộc thi, mình đã thể hiện hai bài thơ mang tên ” Thế hệ cúi đầu ” và “Hãy tới Hà Nội – Việt Nam” . Ở vòng thi đầu tiên mình đã thể hiện bài thơ ” Thế hệ cúi đầu” bài thơ tiếng pháp này mình viết được dựa trên hình ảnh thế hệ trẻ bây giờ thường xuyên ” cúi đầu” . Cúi đầu vì bận với chiếc smartphone, với cuộc sống ảo mà bỏ quên cuộc sống thực đẹp biết bao. Mình muốn truyền tải thông điệp tới mọi người, nhất là những ai thường ” cúi đầu” hãy dừng việc phụ thuộc vào chiếc điện thoại thông minh, đừng là nô lệ của cuộc sống ảo mà hãy ” ngẩng cao đầu ” lên , cảm nhận cuộc sống thực đi thôi ! Bài thơ thứ hai của mình mang đậm đà bản sắc dân tộc. Khi viết bài thơ này là lúc các thí sinh được yêu cầu viết một bài thơ theo chủ đề Voyage (Du lịch) và mình đã tận dụng cơ hội này để viết về Việt Nam và Hà Nội – nơi mình sinh ra và lớn lên. Mình muốn cho công chúng – là những người nước ngoài và trong nước biết tình cảm của mình dành cho quê hương mình, muốn cho họ biết về quê hương xinh đẹp, hấp dẫn và đáng tự hào của mình.
Khi đọc thơ, mình cảm thấy như đang nói với chính mình, cũng rất xúc động vì những bài thơ mình viết thể hiện con người mình. Đồng thời mình cũng cảm thấy tiếng thơ của mình được công chúng đón nhận (có thể vì chủ đề bài thơ, cách thể hiện của mình) và thấy trong khán phòng đồng cảm, hiểu mình, ngay cả với những người Việt không biết tiếng Pháp.
SV: Cảm xúc của Ngân thế nào khi được BTC công bố là người dành giải nhất của cuộc thi? Bạn có chia sẻ và thông điệp gì gửi cho các bạn sinh viên khoa Pháp?
MN: Lúc biết điểm số của mình cao nhất đồng nghĩa với việc giành giải nhất đại diện cho VN tới Pháp mình cảm thấy rất bất ngờ, rất xúc động, vỡ òa vì hạnh phúc. Điều đó chứng tỏ rằng thơ và phần diễn đạt thơ của mình đã lay động được khán giả – giám khảo. Bất ngờ nhiều hơn vì các bạn đến từ tỉnh thành khác cũng rất giỏi, thơ rất hay và mình tham gia với tinh thần giao lưu kết bạn là chính, không hề tham vọng được giải gì cả. Sau bất ngờ, xúc động, vui mừng thì mình cảm thấy rất biết ơn ĐSQ Pháp, Viện Pháp, thầy cô giáo đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho mình biết, tham gia cuộc thi này.
Dành cho các bạn sinh viên khoa Pháp, mình muốn nói rằng chúng ta đều có những thế mạnh riêng, có thể đã được khám phá hoặc chưa. Chính vì vậy hãy mạnh dạn tham gia nhiều chương trình, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều thứ, hiểu bản thân hơn để tìm được hướng đi đúng đắn.
SV: Bạn đang chuẩn bị những gì khi được chọn là đại diện của Việt Nam đến với Slam quốc tế? (những bài thơ và giới thiệu Việt Nam đến bạn bè quốc tế?)
MN: Để chuẩn bị cho chuyến đi Pháp sắp tới, mình đang trau dồi thêm kiến thức văn học cho mình. Đọc nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn về nghệ thuật, thơ và vốn từ tiếng pháp ( vì để làm thơ tiếng pháp cũng rất cần một vốn từ phong phú) . Đương nhiên không thể thiếu được việc chuẩn bị một bài thơ về Việt Nam để đem hình ảnh đất nước mình tới cuộc thi thế giới.
SV: Giỏi tiếng Pháp, vậy sau cuộc thi này bạn có dự định gì trong việc góp sức giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài?
MN: Sau cuộc thi này mình hy vọng mọi người sẽ biết thêm về Slam thơ. Vì thế mình sẽ tìm cách phát triển Slam thơ ở Việt Nam, có thể là lập một câu lạc bộ (?). Để những tiếng nói, thông điệp, cá tính giấu kín được phô ra, để tìm ra những cá nhân có khả năng làm thơ, kết nối công chúng và để “tôi buộc lòng tôi với mọi người, để tình trang trải với trăm nơi” .
Cảm ơn Minh Ngân và chúc bạn đạt kết cao nhất ở cuộc thi Slam thơ quốc tế tại Pháp sắp tới.
(TS. Nguyễn Thanh Hoa, Phó chủ nhiệm Khoa Pháp chúc mừng Minh Ngân đạt giải nhất cuộc thi)
(Các thi sinh trong đêm chung kết thi Slam thơ chụp ảnh kỷ niệm)
Nguyễn Thu Hà