Tiếng Việt
French

Tọa đàm văn học số 3 : Nhà văn Bỉ Jean-Pierre Orban và tác phẩm “Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo”

            Sáng ngày 25 tháng 09 năm 2019, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp đã vui mừng được đón tiếp nhà văn Pháp ngữ người Bỉ Jean-Pierre Orban đến giao lưu về sự nghiệp văn chương cũng như về tác phẩm rất tiêu biểu của ông với tựa đề “Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo”. Buổi trò chuyện có sự tham gia của cô Trần Hoài Anh, cô Đàm Minh Thủy và gần 50 sinh viên bộ môn Văn học Pháp.

1

            Với sự hợp tác tổ chức của Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, các sinh viên của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp đã có cơ hội được gặp gỡ ông Jean-Pierre Orban, ông vừa là nhà văn, nhà báo, cộng tác viên của nhà xuất bản, phiên dịch và viết bài cho quảng cáo. Ông viết sách cho trẻ em, sáng tác kịch bản sân khấu, viết rất nhiều truyện ngắn đăng trên các tạp chí văn học và thơ. Ông đã dành được các giải thưởng : « Giải Sách châu Âu năm 2015», «Giải cuốn tiểu thuyết đầu tay hay nhất », Giải « Sander Pierron 2014 » của Viện Ngôn ngữ và Văn học viết bằng tiếng Pháp của Bỉ, Giải « Saga 2015 », chung kết giải « Victor-Rossel 2014 ».  Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến  «Vera », « Nous nous rassemblons tant » (tạm dịch : “Chúng ta giống nhau đến thế”), và gần đây nhất là tác phẩm được đề cập đến trong khuôn khổ buổi tọa đàm : “Toutes les îles et l’océan” – “Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo”.

 23

(Ảnh : Nhà văn Jean-Pierre Orban và ảnh bìa tác phẩm “Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo” bản tiếng Pháp)

            “Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo” là tác phẩm văn học mang tính chính trị, xã hội và nhân văn. Tiểu thuyết phản ánh chiến tranh giải phóng châu Phi những năm 60 của thế kỉ trước. Ẩn sâu trong đó là mối tình vô vọng của nữ nhạc sỹ dương cầm da trắng Adèle và người giải phóng dân tộc da màu Sainto, tình bạn vượt không gian và thời gian giữa Raphael và Dez, vấn đề phân biệt chủng tộc và trên hết là câu hỏi đi tìm nguồn gốc, cái Tôi của các nhân vật trong truyện. Hình ảnh dòng sông lặp đi lặp lại và thủ pháp đối xứng trong văn chương khiến tác phẩm cuốn hút hơn, gây tò mò khiến người đọc phải đọc và ngẫm nhiều ngày; bên cạnh đó, hình ảnh này cũng là ẩn dụ về sự trôi dạt của các số phận con người, về dòng chảy thời gian, và về cái gì đó vô tận, chảy mãi, chảy mãi, khó nắm bắt. Thông qua “Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo”, Jean-Pierre Orban đưa chúng ta bước vào một bản hùng ca đầy cảm xúc, trong đó nổi cộm lên vấn đề tìm kiếm cội nguồn, sự giao thoa cũng như tình hữu nghị đặc biệt.

            Các sinh viên đã tỏ ra rất thích thú với sự xuất hiện của nhà văn Jean-Pierre Orban, đồng thời cũng thực sự thể hiện tình yêu, niềm đam mê với tác phẩm đầy tính nhân văn này thông qua các câu hỏi rất sâu sắc, cô đọng về nội dung và các giá trị nghệ thuật của tác phẩm, cũng như về con người của tác giả. Đây chính là thành quả của quá trình đọc và nghiên cứu tác phẩm rất kỹ càng của cô và trò bộ môn Văn học Pháp.

4

Các sinh viên trao đổi trước giờ diễn ra buổi giao lưu

8

Giới thiệu nhà văn Jean-Pierre Orban

6

Các sinh viên tham gia giao lưu tích cực đặt câu hỏi về tác giả và tác phẩm

            Buổi giao lưu với nhà văn Jean-Pierre Orban chắc chắn đã một lần nữa khơi dậy ở các sinh viên niềm yêu thích và cảm hứng với văn học Pháp ngữ nói chung và với bộ môn Văn học nói riêng. Hi vọng trong tương lai, Khoa Pháp sẽ còn cơ hội giao lưu cùng nhiều nhà văn Pháp ngữ khác để sinh viên Khoa Pháp sẽ thực sự đến gần hơn với nền văn hóa của Cộng đồng đầy màu sắc này.

9

Cô Trần Hoài Anh thay mặt Khoa trao quà lưu niệm cho nhà văn Jean-Pierre Orban

91

Bài và ảnh : Bảo Nhung

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail