Tọa đàm hướng dẫn sinh viên Khoa Pháp làm Nghiên cứu khoa học – Đổi mới sáng tạo – Khởi nghiệp
Ngày 23/12/2021, Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp đã phối hợp cùng Văn phòng Đề án Đổi mới sáng tạo – Nghiên cứu khoa học – Khởi nghiệp (ĐMST-NCKH-KN) tổ chức buổi Tọa đàm hướng dẫn làm Nghiên cứu khoa học – Đổi mới sáng tạo – Khởi nghiệp dành cho sinh viên các khóa QH2019, QH2020, QH2021.
Tham dự chương trình, về phía Nhà trường có cô Nguyễn Thị Thu Dung – đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án ĐMST-NCKH-KN. Về phía Khoa Pháp có cô Đàm Minh Thuỷ – đại diện Ban chủ nhiệm Khoa cùng hơn 170 giảng viên và sinh viên trong Khoa.
Mở đầu chương trình, các bạn sinh viên đã được nghe cô Nguyễn Thùy Linh – Trợ lý NCKH Khoa hướng dẫn về quy trình đăng ký, xét duyệt và đánh giá đề tài ĐMST-NCKH-KN.
Từ năm học 2020 – 2021, các bước sinh viên đăng ký đề tài, chọn giáo viên hướng dẫn và trình bày báo cáo do Ban chỉ đạo và Văn phòng Đề án FIRE quản lý.
Không còn giới hạn về mặt thời gian, sinh viên có thể đăng ký thực hiện đề tài vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Văn phòng Đề án sẽ tổng hợp các đăng ký và trình Ban chỉ đạo xét duyệt vào ngày 25 hàng tháng và cứ 3 tháng một lần, Ban chỉ đạo Đề án sẽ thành lập hội đồng nghiệm thu và chấm điểm các đề tài đã hoàn thành.
Một điểm mới nữa trong Đề án FIRE là mô hình “Trợ lý nghiên cứu”. Mô hình này cho phép sinh viên cùng tham gia vào các đề tài NCKH của các thầy cô giáo để từ đó học hỏi được kinh nghiệm và thêm kiến thức.
Có thể nói, Đề án FIRE PROJECT là bước ngoặt lớn về sự đổi mới trong NCKH sinh viên, là chìa khóa để thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp của sinh viên ULIS.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, cô Nguyễn Thị Thu Dung – đại diện Văn phòng Đề án ĐMST-NCKH-KN cũng đã có bài phát biểu về phương pháp NCKH-ĐMST-KN. Qua đây, các bạn sinh viên có thể nhìn nhận được rõ hơn tầm quan trọng của tư duy khoa học, tư duy sáng tạo, khởi nghiệp cùng bộ công cụ về tư duy và kỹ năng mà Đề án FIRE có thể mang lại.
Đối với nội dung các đề tài ĐMST-NCKH-KN, Đề án FIRE khuyến khích sinh viên sử dụng bài tập lớn trong các môn học để phát triển thành các đề tài, đề cao việc sinh viên dám lên ý tưởng, dám thực hiện ý tưởng cũng như những kỹ năng, kiến thức các bạn học được từ việc thực hiện các công trình, đề tài. Đặc biệt, sinh viên sẽ luôn được Nhà trường và Khoa tạo điều kiện tối đa và giúp đỡ về mọi mặt để phát triển và thực hiện các đề tài nghiên cứu hay dự án sáng tạo khởi nghiệp của mình.
Tiếp đến, các sinh viên Khoa NN&VH Pháp còn có cơ hội được lắng nghe cô Đỗ Thị Bích Thuỷ – giảng viên Khoa Pháp dày dặn kinh nghiệm trong NCKH và hướng dẫn sinh viên làm NCKH chia sẻ về các phương pháp làm NCKH hiệu quả. Cô đã phân tích và đưa ra lời khuyên cho từng bước trong quá trình làm NCKH như việc sinh viên nên chọn đề tài nghiên cứu có tính thực tế, tính xây dựng, thiết thực, đi sâu vào vấn đề và độc đáo.
Sau đó là phần chia sẻ kinh nghiệm làm NCKH đến từ hai sinh viên khóa QH2018 – Nguyễn Thị Thu Trang và Quang Kiều Phương Anh – tác giả của một đề tài NCKH sinh viên đạt giải Ba cấp Khoa năm học 2019-2020 và một nghiên cứu đạt giải Nhất cấp Trường trong đợt nghiệm thu tháng 7/2021. Các bạn đã đề cập đến những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tham gia nghiên cứu, đồng thời chỉ ra lợi ích của việc làm NCKH đối với sinh viên.
Cuối chương trình là phần Đố vui có thưởng hấp dẫn. Các bạn sinh viên vừa vui vẻ tham gia trò chơi, vừa điểm lại những ý chính liên quan đến Đề án FIRE PROJECT.
Buổi tọa đàm hướng dẫn sinh viên làm Nghiên cứu khoa học – Đổi mới sáng tạo – Khởi nghiệp kết thúc với phát biểu của cô Đàm Minh Thủy – Phó trưởng Khoa NN&VH Pháp. Cô gửi lời cảm ơn tới các diễn giả có mặt trong buổi tọa đàm đã giới thiệu, chia sẻ với giảng viên và sinh viên những thông tin rất hữu ích về NCKH-ĐMST-KN. Chắc chắn rằng, các bạn sinh viên Khoa NN&VH Pháp đã được tiếp thêm rất nhiều động lực để bắt đầu với những đề tài nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của riêng mình.
Bài và ảnh: Phạm Nguyễn Khánh Linh – 20F3
Trần Nguyễn Thùy Linh – 19F3
Nguyễn Thúy Hạnh – 20F1
Ngô Thu Hương – 18F1