Tiếng Việt
French

ULIS hỗ trợ chương trình dạy tiếng Việt tại Trường ĐH Paul-Valéry Montpellier III (Pháp)

 

Ngày 10/10/2019 tại Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier III (CH Pháp) đã diễn ra buổi lễ khai giảng chương trình “Lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam”

Tiếng Việt được coi là một ngoại ngữ hiếm và chỉ được giảng dạy trong một số học viện nghiên cứu hoặc trường đại học ở các thành phố lớn như Paris và Bordeaux. Lần đầu tiên tại vùng Occitanie miền Nam nước Pháp, văn bằng đại học về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam vừa chính thức được ra mắt. Đây là một bước phát triển mới của sự hợp tác giữa Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 và Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhà trường sẽ phối hợp và hỗ trợ chương trình dạy tiếng Việt tại Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 trong các hoạt động giảng dạy, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên,…

Đại học Paul- Valéry Montpellier III (Pháp) ra mắt văn bằng đại học về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam

(Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Pháp)

Hiện đã có khoảng 20 học viên Pháp đăng ký tham gia khóa học đầu tiên của văn bằng Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam Toàn bộ thời gian của khóa học sẽ kéo dài trong vòng 1 năm, sau đó dự kiến được nâng lên thành 2 năm. Trong năm thứ 2, các học viên Pháp sẽ có cơ hội đến thực tập, làm việc trong môi trường Việt Nam để đạt được hiệu quả đào tạo cao nhất.

Buổi lễ có sự tham gia của ông Nguyễn Thiệp – Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Patrick Gilli – Hiệu trưởng Trường Đại học Montpellier, ông Michel Mondain – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Montpellier cùng rất nhiều các đại diện các hiệp hội như Adaly, Hội hữu nghị Việt Nam-Pháp thành phố Montpellier, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp,… Tại chương trình, 6 sinh viên tham gia chương trình trao đổi giữa hai trường Montpellier và ULIS đã có mặt góp phần trong công tác đón tiếp.

Buổi lễ kéo dài hơn 3 tiếng với 3 phần chính: giới thiệu chương trình học, hội thảo về Việt Nam và chương trình văn nghệ biểu diễn văn hóa Việt.

Trong phần đầu, Đại sứ Nguyễn Thiệp có chia sẻ: “Chương trình này sẽ đào tạo ra một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ của Pháp về Việt Nam. Thế hệ đó sẽ là những người đặt nền tảng cho việc giao lưu giữa hai nước. Thông qua việc ký kết chính thức như vậy, chúng ta có cơ hội đưa những người đó về Việt Nam, cũng như có cơ hội cho sinh viên Việt Nam sang đây làm việc, tạo nên một thế hệ các nhà nghiên cứu Pháp về Việt Nam và các nhà nghiên cứu Việt Nam về Pháp. Một số trường đại học ở Lyon hay Marseille cũng đã bày tỏ mong muốn có quan hệ hợp tác, trao đổi học bổng với các trường đại học Việt Nam vì “không thể hiểu Việt Nam nếu không nói tiếng Việt”. Vì vậy, sự kiện tại Đại học Paul-Valéry Montpellier III lần này là bước đầu tiên mang tính chất đột phá, đóng góp quan trọng cho việc tăng cường giao lưu văn hóa, đào tạo và lịch sử giữa hai nước”. 

Phần hai chương trình là cuộc trao đổi xung quanh cuốn sách “Histoire du Vietnam, de la colonisation à nos jours” giữa 4 diễn giả: ông Nguyễn Thiệp, đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Benoit Tréglodé, chủ biên cuốn sách, Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược Bộ quốc Phòng Pháp, ông Jean-Philippe Eglinger, nhà sáng lập công ty Việt-Pháp chiến lược, giảng viên tại INALCO và trường đại học Thăng Long Hà Nội, và ông Pierre Journoud, giáo sử sử học đương đại tại trường đại học Montpellier.

Sau phần hai là chương trình nghệ thuật do Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức với sự có mặt của hơn 15 diễn viên. Các nghệ sĩ đang trình bày các vở chèo kinh điển trong nền nghệ thuật Việt Nam đến hơn 150 khách có mặt tại buổi khai giảng như Thị Màu lên chùa, Lên đồng,…

Bên lề buổi lễ khai giảng là triển lãm về Biển đảo Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã mang đến những hình ảnh đẹp và tư liệu về du lịch tại Việt Nam. Buổi triển lãm tiếp tục kéo dài hơn 10 ngày thu hút rất nhiều các bạn Pháp.

Một số các trang báo có đưa tin sự kiện:

 

Khoa NN&VH Pháp

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail