TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN “ĐỔI MỚI CHIẾN LƯỢC NGHIÊN CỨU CỦA TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU PHÁP NGỮ – KHOA NN & VH PHÁP”
Từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 2 năm 2025, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN tổ chức đánh giá dự án Đổi mới Chiến lược nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pháp ngữ từ chuyên gia ngoài. Đây là dự án kéo dài hai năm do Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF tài trợ. Tham gia đợt đánh giá có GS. Fatima Chnane-Davin và GS. Jean-Pierre Cuq – các chuyên gia đến từ Đại học Aix-Marseille cùng Hội đồng khoa học Khoa.
Phần đầu chương trình, Trưởng Khoa – TS. Đàm Minh Thủy – đã giới thiệu dự án “Đổi mới chiến lược nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pháp ngữ – Khoa NN & VH Pháp” được triển khai với mục đích nâng cao chất lượng nghiên cứu Pháp ngữ tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Những kết quả đáng khích lệ
Tiếp theo chương trình, TS. Đỗ Thanh Thủy, thành viên dự án, đã trình bày quá trình triển khai và những kết quả đạt được . Trong giai đoạn đầu đầu, dự án đã tiến hành khảo sát 173 giảng viên, nhà nghiên cứu và cán bộ quản lý Pháp ngữ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, tổ chức các hội thảo, tọa đàm và các buổi làm việc với đại diện các trung tâm nghiên cứu đến từ nhiều nước Pháp ngữ nhằm tạo dựng một không gian học thuật chuyên sâu dành cho các giảng viên, sinh viên và nghiên cứu viên.
Trung tâm Nghiên cứu Pháp ngữ đã có một nền tảng vững chắc nhờ sự tham gia của đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ cao và kinh nghiệm đa dạng. Hiện tại, Trung tâm quy tụ 5 nhóm nghiên cứu với các thành viên có từ 5 đến hơn 40 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu liên ngành như ngôn ngữ học, phương pháp giảng dạy, biên phiên dịch và nghiên cứu Pháp ngữ. Sự kết hợp giữa các thế hệ giúp duy trì tính kế thừa trong nghiên cứu và đào tạo tiếng Pháp.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã thiết lập và không ngừng củng cố quan hệ với các nhà nghiên cứu trong nước, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, sự kết nối giữa Ban lãnh đạo Trung tâm, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN với các tổ chức, hiệp hội, đối tác trong và ngoài nước cũng là một lợi thế lớn, tạo điều kiện cho các dự án hợp tác, trao đổi học thuật và nghiên cứu chung.
Những thách thức và định hướng phát triển
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Trung tâm vẫn gặp một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ về cơ sở vật chất và tài chính. Việc chưa ổn định hoạt động cụ thể cả ngắn hạn lẫn dài hạn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Trung tâm.
Ngoài ra, việc quản lý một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một thách thức lớn. Nền khoa học Việt Nam nói chung và lĩnh vực nghiên cứu Pháp ngữ nói riêng vẫn đang trong giai đoạn phát triển, với số lượng công trình nghiên cứu còn hạn chế. Các nhóm nghiên cứu chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác để thực hiện các dự án lớn, mang tính liên ngành và quốc tế.
Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đang đặt trọng tâm vào việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo động lực để Trung tâm phát triển mạnh mẽ hơn. Điều này mở ra cơ hội để hình thành mạng lưới nghiên cứu và kết nối cộng đồng giảng viên, nhà nghiên cứu Pháp ngữ trong khu vực. Trong kỷ nguyên số, việc tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các nền tảng trực tuyến cũng giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung tâm.
Góp ý và kết luận từ phía chuyên gia
Các chuyên gia đã tổng kết những kết quả đạt được của dự án, đồng thời so sánh với các mô hình nghiên cứu tại các nước Pháp ngữ ở châu Âu và châu Phi. Một điểm nhấn quan trọng là sự kết hợp và tính cộng đồng trong nghiên cứu, yếu tố giúp các trung tâm học thuật phát triển bền vững. Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Pháp ngữ vẫn đối mặt với một số thách thức như tài chính, công bố quốc tế, v.v.
Các chuyên gia khuyến nghị Trung tâm mở rộng định hướng nghiên cứu, không chỉ tập trung vào ngôn ngữ và giảng dạy tiếng Pháp mà còn khai thác các lĩnh vực liên ngành trong cộng đồng Pháp ngữ. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hợp tác trong đào tạo sau đại học, thông qua các chương trình đồng hướng dẫn giữa nhiều trường đại học, sẽ giúp nâng cao chất lượng và tính liên kết trong nghiên cứu. Đồng thời, việc tăng cường nhận diện cho Trung tâm là cần thiết để thu hút thêm nguồn lực và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm cần xây dựng lộ trình cụ thể, xác định rõ những lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm và xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ. Việc đánh giá và tự đánh giá định kỳ sẽ giúp Trung tâm điều chỉnh định hướng phù hợp với bối cảnh học thuật toàn cầu, từ đó khẳng định vị thế trong cộng đồng nghiên cứu Pháp ngữ.
Kết thúc phần đánh giá, các thành viên của dự án và Hội đồng Khoa học của Khoa NN&VH Pháp cũng đã đưa ra những ý kiến bổ sung. Với sự đồng hành của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) cùng các đối tác chiến lược, Trung tâm có tiềm năng trở thành một địa chỉ nghiên cứu và giảng dạy Pháp ngữ uy tín không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Pháp ngữ mà còn thúc đẩy sự kết nối, trao đổi tri thức giữa các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên, tạo ra một cộng đồng học thuật năng động và sáng tạo. Sự hợp tác đa phương sẽ là chìa khóa giúp Trung tâm mở rộng phạm vi ảnh hưởng, thu hút thêm nhiều nguồn lực và cơ hội phát triển trong tương lai.