Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên – Một vùng mây núi linh thiêng
Mỗi ngày mới là một chuyến đi…
Ai đó đã từng nói rằng, liều thuốc hiệu quả nhất để giải phóng sự bế tắc chính là xách ba lô lên và đi. Đối với chúng tôi, mỗi chuyến đi là một lần được khôn lớn và được trở về trong thay đổi. Đã hai tuần trôi qua kể từ chuyến đi Tây Thiên nhưng trong đầu mỗi người chúng tôi vẫn hiện rõ ký ức tươi đẹp ngày hôm đó. Từng chặng đường, từng rặng thông, tiếng chuông vang vọng trong gió và những bài học quý giá về thiền, về Phật giáo là số ít trong những hành trang mà mảnh đất Vĩnh Phúc đã hào phóng ban tặng cho tuổi trẻ của chúng tôi.
Ngày 5 tháng 12 – một buổi sáng thứ bảy sương giá, khi thành phố vẫn còn yên lặng trong giấc ngủ của ngày nghỉ cuối tuần thì chúng tôi, những thành viên của Câu lạc bộ Du lịch La Route des Découvertes đã sẵn sàng để lên đường đi Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Đúng 9 giờ 30 phút, Anh Tạ Duy Báu – Giám đốc công ty lữ hành Horizon Vietnam Travel, trưởng đoàn đồng thời kiêm luôn vị trí tài xế chuyên nghiệp đã cho chiếc xe lăn bánh. Đi theo con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo hướng sân bay Nội Bài, chúng tôi lại một lần nữa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiện đại của cây cầu Nhật Tân – minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Trên đường đi, Anh Báu cũng thử tài Lan Phương, một thành viên của CLB, đóng vai hướng dẫn viên trên cả quãng đường đi. Những tràng cười không ngớt đã xua tan đi phần nào cái giá lạnh của tiết trời vào đông. Anh Báu vừa đưa ra câu hỏi lại vừa khéo léo hướng dẫn các bạn sinh viên cách trả lời khách sao cho hợp lý nhất.
Tây Thiên trập trùng mây…
Nhưng điều đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến khi chúng tôi đến chân núi. Với tài nghệ lái xe vô cùng điêu luyện, những đường cua tay áo quanh co, khúc khuỷu, phải lượn vòng liên tục nơi chân núi Tam Đảo cũng không thể làm khó được Anh Báu. Từ dưới chân núi nhìn lên, Thiền viện Trúc Lâm thấp thoáng trong mây. Vượt qua cửu đỉnh (chín dốc), chúng tôi cảm giác như đang đi lạc vào một chốn bồng lai tiên cảnh. Bốn bề mây bay, thông reo, gió thổi, cổng Tam Quan của Thiền viện hiện ra thoáng rộng và thanh sạch.
May mắn thay khi chúng tôi đến nơi thì nắng cũng đã lên, bầu không khí vừa ấm áp lại thanh lặng giúp mọi người cảm thấy hứng khởi hơn bao giờ hết. Khác với mọi lần, Anh Báu đặc biệt lưu ý chúng tôi rằng vì đây là Thiền viện, nên mọi người cần chú ý nghiêm túc, tĩnh lặng nhất có thể, tôn trọng không gian đặc biệt linh thiêng và cả những người đang tu tập nơi đây. Sau đó chúng tôi cùng nhau vượt qua những bậc đá dài vô tận để lên đến Tòa Chính điện và làm lễ. Dù ai nấy đều thấm mệt nhưng khi nghe thấy tiếng thỉnh chuông, mỗi người đều như có một khoảng lặng cho riêng mình. Có lẽ hôm đó là một ngày vô cùng may mắn khi chúng tôi được đích thân sư thầy trụ trì tại Thiền viện hướng dẫn cho cách làm lễ Phật sao cho đúng lễ nghi nhất. Không chỉ vậy, thầy còn nhiệt tình giảng cho chúng tôi về tầm quan trọng của việc lễ bái tổ tiên, ông bà, v.v… Ai nấy đều chăm chú lắng nghe.
Tạm gác lại âu lo…
Sau khi làm lễ xong xuôi, Anh Báu dẫn chúng tôi đến một tấm bia đá khắc 4 câu thơ vô cùng nổi tiếng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông – người đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền“
Anh Báu đã giảng cho chúng tôi về ý nghĩa của từng câu, từng chữ được gói ghém trong bài thơ. Không chỉ những thành viên trong Câu lạc bộ mà cả những vị khách đi ngang qua cũng nán lại để chăm chú lắng nghe anh nói. Các bạn sinh viên cũng không chỉ lắng nghe mà còn chủ động đặt câu hỏi, tự tích lũy thêm kiến thức cho chính mình.
Sau “tiết học” vô cùng trực quan với Anh Báu, chúng tôi được “giải lao” tản ra tham quan Lầu Chuông, Lầu Trống, Nội viện Ni,… Ở nơi khu hành lang của Thiền viện, chúng tôi tha hồ phóng tầm mắt với cảnh núi non trùng điệp bao quanh, một cảnh trí vô cùng hiếm thấy. Mắt thấy, tai nghe, còn cả tiếng suối Bạc vang vọng khi gần khi xa. Cứ thế, tạm gác lại bao muộn phiền, lo lắng với những kỳ thi sắp tới, chúng tôi thả trôi tâm hồn mình, để lại thấy vui vẻ, an yên lạ thường giữa chốn núi rừng thanh tịnh.
Đây chưa phải là kết thúc…
Tạm biệt Tây Thiên, đúng 16 giờ 30 phút, chúng tôi cùng nhau lên xe về Hà Nội theo đúng kế hoạch. Dù còn nhiều lưu luyến, nhưng đó đã là một ngày thứ bảy trọn vẹn. Chúng tôi không chỉ có cơ hội được tham gia một chuyến du lịch tâm linh mà khách du lịch nước ngoài thường rất yêu thích, học hỏi thêm về du lịch Phật giáo, về Bát chính đạo, hay về những kiến thức hàn lâm được Anh Báu diễn giải vô cùng dễ hiểu, hơn thế nữa còn được hiểu thêm về thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống của những thiền sư nơi Tây Thiên.
Gửi lại nơi đây những phút giây tĩnh lặng hiếm có, gửi lại cả những nụ cười vui vẻ bên bạn bè. Tây Thiên, một cái nôi của Phật Giáo, một trong ba Thiền viện Trúc Lâm lớn nhất Việt Nam, nay còn là một địa điểm mà sau này khi trưởng thành, chúng tôi sẽ tự hào khi nói rằng, tuổi trẻ của mình đã có cơ hội được đặt chân lên mảnh đất ấy, mảnh đất của những thanh âm trong trẻo, một địa danh rất mực thiêng liêng.
Nguyễn Thị Hương Thảo – Sinh viên lớp 19F8,
thành viên CLB Du lịch La route des Découvertes