Sinh viên ULIS và bữa ăn kỷ niệm đặc biệt tại bệnh viện Lapeyronie, Pháp
Thứ Tư (13/5/2020) vừa rồi, một nhóm sinh viên và giảng viên đại diện cho ULIS đã đến Bệnh viện Đại học Lapeyronie, mang đến cho các y bác sĩ bữa ăn trưa mang màu sắc Việt Nam để hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống lại Covid-19 vẫn còn rất phức tạp tại Pháp. Hãy cùng tìm hiểu về cảm nhận, trải nghiệm của các bạn đang học chương trình trao đổi tại CH Pháp về chuyến đi đặc biệt này nhé:
Sau gần 1 năm đến Pháp, chúng mình đã phải đến bệnh viện. Nhưng may mắn thay, lý do không phải bởi vì bệnh tật…
11h45 trưa ở bến tàu điện tại trung tâm Comédie, thầy cô và trò gặp lại nhau mà không giấu nổi niềm háo hức, nhưng cũng không quên hỏi thăm tình hình của mỗi người. Chắc bởi vì phải đến 1 tháng rồi chẳng được gặp nhau, và cũng bởi vì chút nữa thôi, bọn mình sẽ được đến bệnh viện CHU – Lapeyronie, cầm trên tay những túi, những hộp đựng thức ăn, tất thảy đều là món ăn Việt mà thầy cô chuẩn bị miệt mài suốt hai ngày liền để đem đến cho các y bác sĩ, các điều dưỡng viên, các nhân viên trong mùa dịch.
Hình 1, hình 2. Lần đầu tiên phải vào bệnh viện ở Pháp, có ai ngờ lại háo hức như thế này.
11h45 cả 4 thầy trò gặp nhau ở Comédie để bắt tàu đến bệnh viện. 12h15 mọi người đến nơi và nhưng lúc đó các bác sĩ vẫn đang có cuộc họp. Thế là cả 4 thầy trò cùng nhau đợi trong phòng của bác sĩ Trưởng khoa. Trong lúc chờ đợi, 4 thầy trò cùng nhau trò chuyện vui vẻ rồi cùng nhau chụp ảnh nhí nhố. Thầy Journoud bình thường là một người nghiêm nghị và điềm tĩnh nhưng khi thấy chúng mình và cô Hoa đề xuất chụp những bức ảnh nhí nhố thì thầy hưởng ứng và tỏ ra thích thú lắm.
Hình 3. Mặc dù cô, thầy và trò đã ke đúng giờ nghỉ trưa để ghé thăm nhưng mà khoan, ở bệnh viện thì đâu phải lúc nào lịch trình cũng diễn ra theo như kế hoạch cơ chứ.
Hình 4. Trong lúc đội ngũ nhân viên y tế, các bác sĩ đang họp hành gắt gao xuyên cả giờ nghỉ, chúng mình lại tranh thủ làm vài pô ảnh check-in trong văn phòng. Ừ thì bởi vì… chẳng mấy khi!
Tan họp, các bác sĩ và nhân viên y tế di chuyển tới khu vực căng-tin để nghỉ ngơi, ăn uống sau một buổi sáng làm việc căng thẳng, thậm chí, đối với nhiều người, là sau nhiều ngày làm việc hêt công suất. Gặp được bốn thầy cô tụi mình, không ai giấu nổi niềm hân hoan, đặc biệt là khi mở nắp các hộp đựng đồ ăn.
Thầy Journoud nhanh chóng đặt túi sách du lịch dã chiến xuống, lôi ra biết bao là hộp, là gói ghém toàn đồ ăn. Có ai tin được không, chỉ mình thầy và cô, trong vòng hai ngày sau cú hẹn chốt lịch “bất thình lình”, đã chuẩn bị hết từ khâu đi chợ, chế biến, nấu nướng tới gói ghém. Sau đó, mình và Ngọc Anh phụ cô bày biện đồ ăn, thìa, đĩa và cốc để các nhân viên nhanh chóng được thưởng thức, để rồi lại quay lại với guồng quay công việc.
Giờ ăn trưa hôm ấy của các nhân viên y tế tại bệnh viện Lapeyronie chắc chắn sẽ khác biệt và thú vị gấp bội ngày thường. Menu được đổi thành những món ăn Việt truyền thống, gian dị. Người ngồi bên nói chuyện không chỉ còn là đồng nghiệp mà có thêm sinh viên và thầy cô chúng mình, những người không ngần ngại chia sẻ kỉ niệm hay các hành trình không ngừng gắn kết hợp tác, tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Pháp.
Ngọc Anh kể lại: “Trời ơi, họ thích đồ ăn Việt lắm. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Lúc đó, nhìn những suất cơm do hai thầy cô mất công chuẩn bị rồi tận tay chuẩn bị từ A đến Z, hình ảnh bữa cơm nhà giản dị ùa về trong trí nhớ của người con xa quê. Mình và Linh cùng nhau ngậm ngùi nhớ lại những suất cơm bình dân ở phía sau cổng sắt của trường Đại học, tuy 15 nghìn nhưng đầy đủ dưỡng chất giúp mình tiếp thêm năng lượng để chuẩn bị cho những giờ học buổi chiều. Bữa cơm Việt tuy giản dị thôi nhưng sao nó khiến mình mong nhớ đến thế.
Sau bữa cơm, cả 4 thầy trò cùng nhau dọn dẹp, thu dọn đồ đạc rồi được bác sĩ Sebane, Trưởng khoa cấp cứu, phụ trách 500 y bác sĩ của bệnh viện dẫn đi tham quan nơi làm việc và giới thiệu cả công tác làm việc của đội ngũ nhân viên. Mình thấy bệnh viện đã chuẩn bị những tấm lều ngoài trời trong đó có giường bệnh rồi cả những thiết bị y tế. Có thể nói, họ đã sẵn sàng chiến đấu cho những trường hợp xấu nhất.
Lúc đó, cơn đói ập đến nhưng không làm chùn bước chân của thầy trò chúng mình. Cô Hoa hỏi mình có đói không, mình bảo: “Em hơi đói thôi cô ạ”, thực ra mình đói dữ lắm, nhưng điều đó không ý nghĩa bằng việc được đi tham quan rồi tìm hiểu cách làm việc rồi phản ứng với dịch bệnh của các vị y bác sĩ. Khi nghe bác Sebane giải thích thì mình thấy họ thật tuyệt, sẵn sàng đương đầu với nguy hiểm đồng thời chuẩn bị ứng phó cho những tình huống xấu nhất. Dù khó khăn, mệt mỏi nhưng họ không hề kêu than, mình chỉ nhìn thấy những nụ cười cũng như sự lạc quan trên gương mặt của họ khi thầy cô hỏi thăm tình hình ở bệnh viện rồi cùng nhau nói chuyện trên trời dưới biển.”
Vậy là 1 năm sau, rồi nhiều năm sau nữa, mình sẽ luôn có một ký ức đẹp, một câu chuyện ý nghĩa để kể lại với người thân, bạn bè. Nói với họ rằng cô Hoa đã vui sướng như thế nào khi thấy hộp thịt kho tàu, rồi cà-ri gà, rồi bánh brownies của cô hết trong chớp nhoáng; rằng thầy Journoud thấy cảm kích nhường nào khi được bác sĩ Sebane dẫn 4 thầy trò đi thăm quan khu bệnh viện và giới thiệu cả công tác làm việc của đội ngũ. Và tất nhiên, nói với chính bản thân mình rằng, dù ở bất cứ đâu, với bất cứ địa vị nào, mình cũng có thể đóng góp ít nhiều cho cộng đồng.
Viết vài dòng cảm nghĩ về chuyến đi thăm bệnh viện, Ngọc Anh chia sẻ:
“Tình hình dịch bệnh ở Pháp có thể tạm gọi là trong tầm kiểm soát nhưng vẫn đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của chính phủ cũng như các vị y bác sĩ. Để tỏ lòng biết ơn đối với họ, thầy Journoud và cô Hoa đã hẹn mình và Linh cùng nhau đem đến những suất cơm Việt Nam tới bệnh viện Lapeyronie, Montpellier. Những suất ăn không chỉ đóng vai trò trong việc tiếp tế lương thực mà nó còn tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sĩ ngoài “mặt trận.”
Mình cảm thấy thật may mắn khi được mang đến những suất cơm đến với những y bác sĩ ở bệnh viện. Những suất cơm tuy giản dị, “bình dân” nhưng đầy đủ giá trị dinh dưỡng lại mang hơi ấm tình gắn kết, keo sơn trong thời kì dịch bệnh hoành hành. Những suất cơm trở thành một hành động đẹp trong truyền thống tương thân, tương ái của người Việt ta; hơn nữa nó là một biểu tượng cho tình đoàn kết giữa hai nhân dân Việt-Pháp.
Ngày hôm ấy đã để lại cho mình những ký ức thật đẹp. Nó thôi thúc mình rất nhiều, nhắc nhở bản thân mình luôn cố gắng sống thật hạnh phúc để mang lại những điều ý nghĩa và niềm hạnh phúc cho mọi người và cho cuộc đời bởi vì chỉ khi bản thân mình hạnh phúc thì mình mới có đủ khả năng để đem lại hạnh phúc cho người khác.”
Pháp hiện giờ tuy số ca lây nhiễm đã dần thuyên giảm nhưng chưa thể nói toàn quốc đã bước qua cơn nguy kịch. Vẫn còn nhiều trang thiết bị y tế cần phải củng cố, vẫn còn nhiều bệnh nhân cần phải theo dõi, vẫn cần nhiều đội ngũ các bác sĩ phải túc trực công tác. “Chẳng ai biết khi nào đợt sóng tiếp theo sẽ ập đến.” Cô nhân viên trong đội ngũ SMUR chia sẻ. Và ngày 11/5 thực chất chỉ là con số biểu tượng, chẳng thể đảm bảo cho bất cứ điều gì.
Thế nhưng mình vẫn tin rằng mọi chuyênn rồi sẽ ổn thôi. Ít nhất, ở CHU, nơi mình được tận mắt ghé thăm, đội ngũ nhân viên sẽ làm tốt nhiệm vụ của họ. Nhìn dáng vẻ hớt hải của họ ngay cả trong giờ nghỉ trưa, nhìn những chiếu lều được trang bị đầy đủ, sẵn sàng cho bất cứ đợt tiếp nhận bệnh nhân nào, và đặc biệt, nhìn những gương mặt đầy lạc quan của họ, mình tin là mọi chuyện sẽ ổn thôi. Niềm tin có phần ngây ngô, nhưng có thể lắm chứ, bởi “khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được điều đó.”
Video tóm tắt hoạt động
Thành viên tham gia chuyến đi:
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hoa, giảng viên khoa Pháp, Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tiến sĩ Pierre Journoud, Giáo sư môn Lịch sử đương đại thuộc trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3; Đỗ Ngọc Anh, sinh viên năm 3 khoa Pháp, Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; sinh viên trao đổi tại trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3; thành viên Hiệp hội sinh viên 9316km; Nguyễn Thị Đan Linh, sinh viên năm 4 khoa Pháp, Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; sinh viên trao đổi tại trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3; thành viên Hiệp hội sinh viên 9316km. |