Tiếng Việt
French

« Khoa Pháp với Doanh nghiệp – Triển vọng hợp tác và phát triển »

Tiếp theo thành công của Lễ hội sắc màu và Kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa NN&VH Pháp, ngày 20/04/2017 Trường ĐHNN kết hợp với Khoa Pháp đã tổ chức buổi Hội thảo « Khoa Pháp với Doanh nghiệp – Triển vọng hợp tác và phát triển »

Hội thảo diễn ra tại Press Club, 12 Lý Đạo Thành, Hà Nội. Đây là một địa điểm có uy tín trong giới doanh nhân, chủ doanh nghiệp cũng là cựu sinh viên của Khoa Pháp. Chủ trì hội thảo là PGS.TS. Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường và PSG.TS. Đinh Hồng Vân, Trưởng Khoa NN&VH Pháp. Tham dự hội thảo có các đại diện phòng Đào tạo, phòng Tổ chức Cán bộ, phòng Công tác chính trị và Học sinh Sinh viên của  Trường ĐHNN, Ban chủ nhiệm, Chi ủy Khoa NN&VH Pháp cùng đại diện cựu sinh viên Khoa Pháp hiện là các doanh nhân, lãnh đạo tại nhiều công ty, tổ chức, cơ quan của đất nước. Cuộc trao đổi nhằm các mục đích:

  • Lấy ý kiến của Doang nghiệp, các nhà tuyển dụng tiềm năng về nhu cầu của thị trường lao động về các năng lực phẩm chất cần có của sinh viên Khoa Pháp khi bước ra thị trường lao động ;
  • Thiết lập một mối quan hệ hợp tác giữa Khoa với cựu Sinh viên và với Doanh nghiệp ;
  • Tri ân các Đối tác, các Doanh nghiệp, các Cựu Sinh viên tiêu biểu.

Hội thảo đã diễn ra trong không khí sôi nổi và thân mật. Khai mạc buổi trao đổi, PGS.TS. Ngô Minh Thủy nhắc lại thành công của sự kiện tổ chức 55 năm thành lập Khoa Pháp và những đóng góp của Khoa vào sự phát triển của nhà trường, cám ơn sự tham gia của các doanh nghiệp và mong muốn có các bước hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.

IMG_0131

PGS.TS. Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN phát biểu khai mạc Hội thảo

Tiếp theo PSG.TS. Đinh Hồng Vân đã giới thiệu tình hình chung của Khoa, chương trình đào tạo và đặt ra các câu hỏi thảo luận cụ thể về nhu cầu sử dụng tiếng Pháp hiện nay của thị trường lao động, cơ hội việc làm cho các cử nhân tiếng Pháp, những việc nên/cần làm để sinh viên sớm tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, các hỗ trợ có thể của Doanh nghiệp cho ULIS và Khoa Pháp trong đào tạo-nghiên cứu.

IMG_0126

PSG.TS. Đinh Hồng Vân, Trưởng Khoa NN&VH Pháp nêu ra các câu hỏi thảo luận.

Các đại diện cựu sinh viên và các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến về nhu cầu và tuyển dụng, về mô hình đào tạo, phát triển kỹ năng cho sinh viên, triển vọng hợp tác của Khoa với Doanh nghiệp trong việc đào tạo và hướng nghiệp: hội thảo, hỗ trợ thực tập và việc làm của sinh viên trước và sau khi tốt nghiệp, khả năng ký thỏa thuận hợp tác … và phát triển công tác truyền thông của Khoa.

Bà Nguyễn Thu Hà (Tổng biên tập Báo Courrier du Vietnam), sau khi giới thiệu các ấn phẩm của Tòa soạn, đã bày tỏ mong muốn sẵn sàng đón nhận các sinh viên Khoa Pháp đến thực tập và đề xuất tổ chức một « sân chơi » cho sinh viên tiếng Pháp qua cuộc thi « Phóng viên trẻ pháp ngữ » sẽ được tổ chức hàng năm. Báo Courrier du Vietnam cũng sẵn sàng giúp Khoa tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, đào tạo cho sinh viên cách viết một bài báo có chất lượng.

Ông Nguyễn Phú An (Giám đốc điều hành iBranding – đại diện CNN, Bloomberg, Time, Fortune tại Việt Nam) nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng viết đối với sinh viên, nhất là trong giao tiếp thương mại và đề nghị đưa nội dung này vào chương trình đào tạo như một môn học.

Ông Nguyễn Văn Tuyển, (Chủ tịch Vietnam School Connect) chia sẻ quan điểm trên và trình bày các tiêu chí đối với các ứng viên. Đó là sức khỏe, ngoại hình, tính cách năng động, kỹ năng xã hội, đạo đức và khả năng chịu được cường độ làm việc cao. Các tiêu chí này cần được đưa vào chuẩn đầu ra của các môn học. Ông Tuyển cho biết đến năm 2019, hệ thống giáo dục của ông sẽ hướng tới mục tiêu phục vụ 600 000 học sinh và sẽ cần rất nhiều nhân lực.

Ông Nguyễn Chí Hiếu (Chủ doanh nghiệp ở Canađa) đề xuất mở rộng liên kết đào tạo giữa Trường và Khoa với các đơn vị đào tạo trong nước và nước ngoài để sinh viên có thể sử dụng ngoại ngữ như một công cụ tiếp cận các chuyên ngành khác.

Tiếp theo là ý kiến của các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, nhu cầu du lịch của thị trường Pháp hiện rất lớn và các công ty luôn cần nhân lực có chất lượng. Sinh viên muốn ra nhập thị trường du lịch cần có kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp tốt (cả nói và viết), kỹ năng và kiến thức xã hội, kỹ năng làm việc nhóm. Các công ty du lịch cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng tiếp nhận các thực tập sinh và tham gia, hỗ trợ các hoạt động đào tạo của Trường và Khoa.

Kết luận tại buổi trao đổi, PGS.TS Ngô Minh Thủy ghi nhận các ý kiến của Doanh nghiệp và khẳng định Trường đã có bước chuyển trong tư duy về đào tạo, hợp tác và truyền thông. Tinh thần của Nhà trường luôn sẵn sàng sát cánh với doanh nghiệp, tạo điều kiện để phát triển những cầu nối chia sẻ các thế mạnh của cả hai bên. Sau khi cảm ơn các đại biểu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐNNN chúc các đại diện khối doanh nghiệp vững vàng để lãnh đạo đơn vị mình phát triển, xứng đáng là cựu sinh viên Khoa tiếng Pháp, Trường ĐHNN – ĐHQGHN với bề dày 55 năm xây dựng và phát triển.

Buổi hội thảo đã kết thúc tốt đẹp hồi 12h00 ngày 20.04.2017. Với sự ủng hộ và hợp tác của các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp, với, sự tin tưởng và hỗ trợ của Ban giám hiệu, của các phòng ban chức năng của trường ĐHNN-ĐHQGHN, sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể cán bộ và sinh viên của Khoa, chúng ta có quyền hi vọng vào một Khoa Pháp năng động và phát triển, phát huy truyền thống và hướng tới tương lai !

Ban truyền thông

Một số hình ảnh tại buổi trao đổi

IMG_0122

Đại diện các Cựu Sinh viên và Doanh nghiệp

IMG_0148

Bà Nguyễn Thu Hà, Tổng biên tập Báo Courrier du Vietnam.

IMG_0181

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Chủ tịch Vietnam School Connect

 IMG_0183

Ông Nguyễn Mạnh Hòa, Tập đoàn Emotions Vietnam Asiatica Travel

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail