Tiếng Việt
French

DỰ ÁN “PAROLES CROISÉES” KẾT NỐI SINH VIÊN ULIS VÀ UCO

Dự án « Paroles croisées : Pour aller au-delà des stéréotypes » (Tạm dịch : « Đối thoại : Vượt qua khuôn mẫu văn hóa) hình thành từ ý tưởng của Hội hữu nghị Côtes d’Armor Vietnam (CAVN). Thành lập chính thức vào năm 1994, Hội CAVN đã hoạt động hơn 20 năm trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, việc làm và phát triển bền vững, hướng đến học sinh, sinh viên học tiếng Pháp và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

Dự án « Paroles croisées : Pour aller au-delà des stéréotypes » do ông Denis Sarradin, Hội viên CAVN – điều phối viên của dự án, khởi xướng vào tháng 6 năm 2023. Ông kết nối các giáo viên tổ Văn học – Văn minh (VHVM) –  Khoa tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ – ĐQGHN (ULIS) và nhóm cán bộ – giảng viên đến từ Đại học Công giáo miền Tây (Université catholique de l’Ouest – UCO). Cụ thể, GS. Dominique Vermersch, nguyên Hiệu trưởng trường UCO, TS. Anne-Sophie ARRAITZ, Phụ trách đào tạo Thạc sĩ M1 & M2 ngành Ngôn ngữ học ứng dụng, Chuyên ngành Ngôn ngữ, Giao tiếp đa văn hóa và Chiến lược kinh doanh, TS. Thomas Anh Ngọc HOÀNG, Ngành Khoa học Thông tin và Truyền thông, bà Dương Quỳnh Giao, phụ trách tuyển sinh khu vực châu Á của trường UCO đã tham gia tư vấn, xây dựng chương trình và giám sát thực hiện dự án. Sau nhiều lần nhóm họp trực tuyến, nhóm giáo viên đến từ hai trường đại học đã hoàn thành khung chương trình cho dự án vào tháng 9/2023, đưa dự án đi vào hoạt động từ tháng 10/2023.

Ngay khi kênh thông tin của khoa tiếng Pháp (ULIS) đăng tải thông tin tuyển thành viên cho dự án, hơn 60 sinh viên đã đăng ký tham gia và trải qua vòng phỏng vấn với giáo viên tổ VHVM để lựa chọn ra 31 sinh viên phù hợp nhất với tiêu chí của dự án. Bên phía UCO, 15 sinh viên thuộc chương trình Thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng đăng ký tham gia. Lần đầu tiên ở khoa Pháp, một dự án về giao tiếp liên văn hóa do sinh viên Pháp và Việt Nam cùng thực hiện được tiến hành.

Ngày 9/10/2023, buổi gặp mặt trực tuyến chính thức của dự án đã diễn ra với sự có mặt của gần 50 sinh viên và các giảng viên đến từ 2 trường. Sau phần phát biểu khai mạc của TS. Đàm Minh Thủy, Trưởng khoa tiếng Pháp (ULIS) và phần giới thiệu về hội CAVN của ông Denis Sarradin, các giảng viên từ ULIS và UCO đã lần lượt trình bày mục đích, phương thức tổ chức và lịch trình làm việc của dự án. Buổi gặp mặt là bước đầu giúp các sinh viên kết nối, làm quen và tìm hiểu về nhau trước khi được phân chia thành các nhóm nhỏ và lựa chọn chủ đề khiến các bạn hứng thú.

Trong hơn 3 tháng từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, 10 nhóm sinh viên (mỗi nhóm gồm 3-4 sinh viên Việt Nam và 3 sinh viên Pháp) nghiên cứu các khuôn mẫu (stéréotypes) trong văn hóa hai nước về một trong các chủ đề sau : Lễ hội truyền thống, cưới hỏi, đời sống tâm linh, phép lịch sự, thói quen tiêu dùng, công việc, khuôn mẫu về người Pháp và Việt Nam, giao thông, ẩm thực, sự mê tín. Sản phẩm các nhóm cần hoàn thành là một cuốn sách nhỏ trình bày về các khuôn mẫu tồn tại trong hai nền văn hóa mà người nước ngoài nên biết để tránh những hiểu lầm có thể dẫn đến sốc văn hóa.

Nhóm giáo viên tham gia đồng hành với các nhóm sinh viên bao gồm TS.Bùi Ngọc Lan, tổ trưởng tổ VHVM (ULIS), giảng viên Nguyễn Anh Tú (ULIS) và giảng viên Marc Guyon (UCO). Trong quá trình làm việc, các nhóm sinh viên cần gửi 3 báo cáo tiến độ theo thời hạn cho trước để giáo viên kịp thời nhận xét và góp ý về nội dung và trình bày của sản phẩm. Song song với các cuộc họp của sinh viên, nhóm giáo viên cũng thường xuyên họp và trao đổi về tiến độ, các khó khăn và điều chỉnh chương trình khi cần thiết.

Quá trình gặp gỡ, trao đổi giữa các sinh viên và giữa sinh viên với giáo viên được tiến hành hoàn toàn trực tuyến. Dự án yêu cầu tuân thủ thời hạn nộp báo cáo, đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng quản lý thời gian, xử lý vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm. Nội dung mà sinh viên cần triển khai khuyến khích các em chủ động tìm hiểu các nguồn thông tin, trau dồi hiểu biết, chắt lọc, tổng hợp những kiến thức về văn hóa – xã hội, phát triển tư duy phê phán. Ngoài ra, chính những buổi trao đổi và quá trình làm việc cùng nhau cũng giúp các sinh viên tham gia dự án rèn luyện khả năng giao tiếp, làm quen với thói quen, phong cách làm việc của sinh viên nước bạn.

Ngày 17/1/2024, ông Denis Sarradin (CAVN) đã đến khoa tiếng Pháp (ULIS) để gặp gỡ, trao đổi với các sinh viên Việt Nam tham gia dự án. Ông rất vui mừng được gặp mặt các em sinh viên và khuyến khích các em học và thực tiếng Pháp, tích cực trau dồi kiến thức, rèn luyện sự tự tin để giao lưu với bạn bè quốc tế. Cũng trong buổi lễ này, TS.Đàm Minh Thủy, trưởng khoa cùng ông Denis Sarradin đã trao chứng nhận cho 31 sinh viên của khoa, ghi nhận những đóng góp của các em trong dự án.

Tháng 3/2024, nhân chuyến thăm khoa tiếng Pháp của nhóm cán bộ – giáo viên trường UCO, TS. Anne-Sophie Arraitz và TS. Thomas Anh-Ngoc HOANG đã có buổi trò chuyện với các sinh viên của dự án. Cầm trên tay 10 cuốn sách nhỏ, sản phẩm chung của nhóm sinh viên hai trường, thầy cô dành nhiều lời động viên, khen tặng dành cho các sinh viên khoa. Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí cởi mở, đầm ấm. Các bạn sinh viên chủ động chia sẻ về sự tiến bộ của mình sau khi tham gia dự án, những khó khăn mà các em gặp phải và cách nhóm cùng nhau giải quyết vấn đề để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Nhiều sinh viên khẳng định dự án đã giúp các em biết thêm về văn hóa Pháp và hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam, cải thiện kĩ năng nghe-nói tiếng Pháp và gia tăng sự tự tin trong giao tiếp, rèn luyện tư duy phản biện.

Dự án đã kết thúc thành công khi sản phẩm có chất lượng tốt, trình bày đẹp, hấp dẫn. Sản phẩm thể hiện được sự nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu chủ đề dưới góc nhìn đương đại, có dấu ấn riêng và là sự phối hợp của tập thể. Các nhóm sinh viên có mối quan hệ đoàn kết và tuân thủ đúng các quy tắc làm việc cũng như thời hạn nộp báo cáo và sản phẩm. Các sinh viên chia sẻ cảm xúc phấn khởi và sự hào hứng khi tham gia dự án. Vượt qua những ngại ngùng lúc ban đầu và những khó khăn do rào cản ngôn ngữ, văn hóa, lịch trình học tập bận rộn, nhiều bạn sinh viên nhận thấy mình đã tự tin hơn khi giao tiếp và có thêm nhiều hiểu biết cũng như kinh nghiệm làm việc với các bạn sinh viên Pháp. Vươn ra ngoài khuôn khổ của môn học Giao tiếp liên văn hóa, các bạn đã trở thành bạn bè với các sinh viên Pháp và nuôi dưỡng mong ước được gặp mặt trực tiếp tại Pháp hoặc Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu mà dự án hướng tới, không chỉ trao đổi học thuật và văn hóa mà còn xây dựng mối quan hệ bạn bè đoàn kết giữa các bạn trẻ hai nước. Dự án « Paroles croisées : Pour aller au-delà des stéréotypes » là một ví dụ tiêu biểu của việc áp dụng phương pháp dạy học qua dự án và mô hình hợp tác nghiên cứu giữa sinh viên các trường đại học. Dựa trên mối quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt giữa ULIS và UCO, những dự án tương tự là khả thi và hứa hẹn mang đến kết quả tốt đẹp, mở ra nhiều ý tưởng mới cho các hoạt động hợp tác học tập, nghiên cứu trong tương lai.

1.Affiche Paroles croisées 2.G2_photo1 3.G9_photo 4.IMG_5554 5.IMG_5582 6.IMG_2814 7.IMG_2807 8.IMG_2797

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail