Tiếng Việt
French

Hội thảo khoa học “Hợp tác Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục giữa Việt Nam – Các nước Pháp ngữ: Thách thức và triển vọng”

Chiều ngày 28/09, Khoa NN&VH Pháp đã phối hợp cùng Viện nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục giữa Việt Nam – Các nước Pháp ngữ: Thách thức và triển vọng”. Sự kiện diễn ra nhằm thúc đẩy việc học tập và nghiên cứu văn hóa – ngôn ngữ Việt Nam và văn hóa – ngôn ngữ Pháp cũng như tăng cường hiểu biết về văn hóa các nước Pháp ngữ. Hội thảo được trình bày song song bằng hai ngôn ngữ Việt – Pháp.

z5877981968241_41aa06ef85fd25a4eaf559fa6c652e4d

Về phía khách mời quốc tế, có sự hiện diện của ông Pierre du Ville, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Đại sứ quán và Phái đoàn ngoại giao Pháp ngữ (GADIF); ông Trần Văn Công, Giám đốc Trung tâm Pháp ngữ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Ông Arnaud Pannier, Tuỳ viên Hợp tác giáo dục – Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Về phía khách mời Việt Nam, có sự hiện diện của ông Nguyễn Thiệp, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Nguyên Trưởng đại diện Việt Nam tại Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Pháp; PGS.TS. Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF); TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp Ngữ – ĐHQGHN; TS. Ngô Tự Lập, Nhà nghiên cứu, hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, Khoa Quốc tế Pháp ngữ – ĐHQGHN, Nguyên Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI); bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam và đại diện doanh nghiệp tài trợ: Công ty TNHH Quốc tế Việt và Cafe C.O.C Sài Gòn.

z5877981865538_8dcf80c8dd073dcdfa0402eb5bfeb661

Về phía Trường Đại học Ngoại Ngữ có sự góp mặt của TS. Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch hội đồng Trường ĐHNN-ĐHNQGHN; PGS.TS Lâm Quang Đông, phó Hiệu Trưởng, Ban chủ nhiệm Khoa NN&VH Pháp; PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Thanh, Nguyên trưởng ban CT HS SV, ĐHQGHN; TS. Đàm Minh Thủy, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa  Pháp cũng như sự góp mặt của đông đảo giảng viên và sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Pháp; PGS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng nhóm biên soạn chương trình tiếng Pháp/Tổng chủ biên SGK tiếng Pháp dành cho học sinh phổ thông, Nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại Học Quốc gia Hà Nội.

z5877982019842_d6de8f91fc971d0c9857c33adb994fc3

Mở đầu chương trình, PGS. TS. Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện CLEF và PGS.TS Lâm Quang Đông đã nêu lên những thách thức đối với việc dạy và học Ngôn ngữ Pháp tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, hai diễn giả khẳng định rằng với xu hướng đa phương, trong tương lai, tiếng Pháp sẽ là một cánh cửa mang đến rất nhiều cơ hội nếu sự hợp tác về văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục giữa Việt Nam và các nước nói tiếng Pháp được củng cố chặt chẽ.

z5877982019841_01ab2a3adb32ac7ff69e1cab8fd0f962

Nối tiếp phần khai mạc, Đại sứ Nguyễn Thiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Theo ông, việc trao đổi văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ và kĩ thuật giữa Việt Nam – Pháp sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho cả hai quốc gia cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

z5877982019802_fffc24e430987c7254bdc61c7a481923

Trong phần “Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ – Tầm nhìn từ Trung tâm nghiên cứu Pháp ngữ – ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQGHN”, TS. Đàm Minh Thủy – Trưởng khoa NN&VH Pháp nêu bật vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang gặp phải một số thách thức như năng lực nghiên cứu của các giảng viên và nghiên cứu sinh còn hạn chế. Để khắc phục những khó khăn trên, Trung tâm nghiên cứu Pháp ngữ đã có những dự án tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực cũng như hợp tác với các trường đại học trong Cộng đồng Pháp ngữ.

z5877982019801_b32728342886d078604b74aba91ce96f

Trong phần “Tiếng Pháp trong chính sách giảng dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông tại Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Trưởng nhóm biên soạn chương trình tiếng Pháp/ Tổng chủ biên SGK tiếng Pháp dành cho học sinh phổ thông, Nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp đã chỉ ra thực trạng số học sinh theo chuyên ngành Ngôn ngữ Pháp có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, ông đã đề cao sự nỗ lực trong việc biên soạn các chương trình sách giáo khoa tiếng Pháp vô cùng thú vị và dễ tiếp cận đối với học sinh.

z5877981968393_b3d3afc0193352fa0d4e54a305fa68aa

TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp Ngữ – ĐHQGHN, đã có những chia sẻ vô cùng đáng giá về kinh nghiệm của IFI trong hợp tác giáo dục đại học giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ. Nối tiếp đó là phần phát biểu ý nghĩa đến từ Bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam và TS. Ngô Tự Lập, Nhà nghiên cứu, hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam về vai trò của điện ảnh và âm nhạc đối với ngoại giao văn hóa.

z5877981968353_a268b167e25e4f10cb20ba8d075fbf3f

Khép lại hội thảo, ông Arnaud Pannier và TS. Lê Thị Phương Lan – đại diện hợp tác dự án Webtoon – đã có đôi lời phát biểu về dự án truyện tranh “Đêm đầy sao – Notre nuit étoilée” được thực hiện bởi sinh viên khoa NN&VH Pháp cùng ĐSQ Pháp tại Việt Nam cũng như việc thúc đẩy học tiếng Pháp, làm việc trong cộng đồng Pháp ngữ tại các nước châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.

z5877981968302_e492f096f85b0831a0a4cb14902d0b7a

z5877981968242_d863050af806ca4504b822f0e9334ede

Sự kiện đã thành công tốt đẹp với kết màn là chương trình “Cuộc đời thứ hai của ca khúc: bài hát Pháp trong tiếng Việt” quy tụ các tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Pháp ngữ, với sự góp mặt của lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, đại diện giảng viên và sinh viên Khoa NN&VH Pháp, Viện Quốc tế Pháp ngữ IFI và Viện nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục CLEF. Hội thảo chắc chắn đã góp phần gắn kết và củng cố sự hợp tác Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục giữa Việt Nam và các nước thuộc cộng đồng nói tiếng Pháp.

z5877981916966_b0703046648902f553ba63be3ce0efd7

Lê Du/Ban Truyền thông khoa Pháp

Ảnh: Ban Truyền thông viện CLEF

 

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail