Tiếng Việt
French

Sinh viên du lịch khóa QH2018 gặp lại chuyên gia Nguyễn Minh Thắng trong buổi học “Xây dựng sản phẩm du lịch” (Création de produits touristiques)

Sáng ngày 12/11/2020, sinh viên hai lớp du lịch 18F3.DL1 và 18F4.DL1 – Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp – Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tham gia buổi học về chủ đề “Xây dựng sản phẩm du lịch” (Création de produits touristiques) tại phòng hội thảo Khoa với Anh Nguyễn Minh Thắng – Giám đốc sản phẩm và đồng sáng lập công ty lữ hành iLOTUS TOURS và hai giảng viên, Cô Nguyễn Thu Hà và Cô Đỗ Thanh Thủy.

IMG_2575

Anh Nguyễn Minh Thắng, giám đốc sản phẩm và đồng sáng lập công ty iLOTUS TOURS

Đầu năm, các bạn sinh viên đã có dịp giao lưu với Anh Thắng trong buổi học trực tuyến “Tổng quan về Du lịch Việt Nam” (Aperçu général sur le tourisme du Vietnam). Anh Nguyễn Minh Thắng, cựu sinh viên khoa Pháp năng động, tâm huyết và có năng lực, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay, Anh đang đảm nhiệm vị trí giám đốc sản phẩm và đồng sáng lập công ty iLOTUS TOURS.

iLOTUS TOURS là công ty tổ chức tours INBOUND cho khách du lịch đến từ châu Âu, châu Úc và châu Mỹ đi thăm Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar. Đồng thời cũng là công ty tiên phong trong lĩnh vực thiết kế những chuyến du lịch khám phá vẻ đẹp khu vực Đông Dương theo mong muốn và nhu cầu khách hàng, tập trung vào chất lượng dịch vụ và trải nghiệm mới mẻ, độc đáo.

Trong buổi học, Anh Thắng đã trình bày về các điểm chính của sản phẩm du lịch: khái niệm, các loại hình, các nguyên tắc và các bước xây dựng sản phẩm du lịch, sự cần thiết phải tạo ra các sản phẩm du lịch mới và vòng đời của một sản phẩm du lịch.

KHÁI NIỆM SẢN PHẨM DU LỊCH

Mở đầu buổi học là khái niệm của một sản phẩm du lịch. Nói một cách tổng quát, sản phẩm du lịch bao gồm tất cả các dịch vụ cần thiết đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch trong suốt chuyến đi. Cụ thể, nó là tổng hợp các yếu tố vật chất và phi vật chất, từ tự nhiên đến nhân tạo, một điểm đến hay một doanh nghiệp. Các sản phẩm du lịch thay đổi theo nhu cầu của khách hàng.

CÁC LOẠI HÌNH SẢN PHẨM

Tiếp theo, Anh Thắng đã phân chia các loại sản phẩm du lịch dựa trên nhu cầu, xu hướng của thị trường, bao gồm: du lịch trọn gói, du lịch lưu trú và du lịch trên biển… Ngày nay, người ta còn có thể kết hợp các loại hình sản phẩm với nhau trong chuyến đi của mình, cùng với đó là các hoạt động, các trải nghiệm thú vị và mới mẻ được đưa vào các tour du lịch.

NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG SẢN PHẨM DU LỊCH

Theo Anh Thắng, một sản phẩm du lịch cần phải đáp ứng được những yêu cầu như sau: đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, gắn liền với lợi ích kinh tế, thích ứng với chương trình phát triển toàn cầu, có nét đặc thù, được bảo hộ và duy trì.

SẢN PHẨM DU LỊCH MỚI

Để tiếp tục bài học, Anh Thắng đem đến cho các bạn sinh viên hai lớp những kiến thức về “sản phẩm du lịch mới”: tầm quan trọng, các bước xây dựng và  vòng đời của một sản phẩm du lịch.

Tại sao các công ty lữ hành du lịch cần cho ra mắt và phát triển các sản phẩm du lịch mới?

Đó là câu hỏi mà Anh đã đặt ra cho các bạn sinh viên thảo luận. Đồng tình với ý kiến của phần lớn các bạn, Anh Thắng đã khẳng định, sản phẩm du lịch mới mang lại sự cải tiến, sự khác biệt và sự đổi mới thực sự. Các công ty, đại lý du lịch ngày càng phải tăng cường các sản phẩm du lịch mới, trước tiên là để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, làm “hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, cùng với đó là tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tăng doanh thu và lợi ích xã hội.

Vậy quá trình tạo ra được một sản  phẩm du lịch mới như thế nào?

Một sản phẩm du lịch mới được tạo ra không hề dễ dàng, đơn giản. Dưới góc nhìn của một chuyên gia đã gắn bó lâu năm trong lĩnh vực du lịch, Anh Thắng đã phân tích các bước xây dựng sản phẩm du lịch. Nó cần phải được tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ: khai thác, tìm kiếm và chọn lọc ý tưởng; tìm kiếm thông tin và khảo sát thực địa; giới thiệu ý tưởng sản phẩm; thử nghiệm sản phẩm dựa trên sự tư vấn của các chuyên gia du lịch; thử nghiệm sản phẩm bởi khách hàng; cho ra mắt sản phẩm trên thị trường; và cuối cùng là sửa đổi, bổ sung, thay thế và đánh giá.

Vòng đời một sản phẩm du lịch mới là gì?

Theo Anh Thắng, một sản phẩm du lịch nói chung gồm có 4 giai đoạn: giai đoạn 1 là giới thiệu sản phẩm ra thị trường, giai đoạn 2 là phát triển, giai đoạn 3 là bão hòa và giai đoạn cuối cùng là suy thoái.

VÍ DỤ VỀ SẢN PHẨM DU LỊCH – TOUR DU LỊCH TÂY BẮC

Sau khi đã truyền đạt toàn bộ nội dung về sản phẩm du lịch, Anh Thắng đã mang đến không khí sôi nổi cho lớp học qua hoạt động giới thiệu về tour du lịch Tây Bắc – địa danh nổi tiếng mà chắc hẳn bất kì một bạn trẻ nào cũng mong muốn được một lần đặt chân tới khám phá. Tây Bắc – vùng đất với nhiều địa danh du lịch tuyệt vời như Điện Biên, Sơn La, Mộc Châu,… hứa hẹn sẽ mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau về một không gian yên bình, hoang sơ mà quyến rũ. Du lịch Tây Bắc chúng ta sẽ có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang đang độ “mùa vàng”, những khúc quanh hùng vĩ của một trong “tứ đại danh đèo”, cuộc sống vui tươi của các bản làng người H-mông, Thái… và trải nghiệm những khoảnh khắc lắng đọng trên mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử.

TRAO ĐỔI GIỮA CHUYÊN GIA VÀ SINH VIÊN

Bên cạnh giao lưu chuyên môn, Anh Thắng cũng đưa ra những lời động viên, lời khuyên hữu ích về các ngành nghề trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là những vấn đề xoay quanh nghề sale, marketing, về chiến lược, yêu cầu, cơ hội việc làm trong tương lai, và đặc biệt là những phẩm chất, kỹ năng cần có của một người làm du lịch.

Ngoài ra, Anh Thắng còn nhiệt tình giải đáp những câu hỏi vô cùng thực tế được đặt ra bởi các bạn sinh viên: “Trong quá trình tạo ra một sản phẩm mới có thể gặp những vấn đề nào?”; “Nếu sau này em làm hướng dẫn viên 2-3 năm rồi quay về văn phòng làm sale sẽ có những khó khăn gì?”; “Doanh nghiệp thường tuyển thực tập sinh ở những vị trí nào, khi đi thực tập có được hướng dẫn không?”.

Buổi giao lưu đầy cảm hứng và chân thành của Anh Nguyễn Minh Thắng đã giúp các bạn sinh viên hai lớp chuyên ngành du lịch khóa QH2018 có cơ hội hiểu biết rõ hơn về sản phẩm du lịch, quá trình lên chương trình tour và ngành nghề du lịch. Đây là những kiến thức vô cùng quý giá đối với các bạn sinh viên ngành du lịch, đặc biệt là những bạn có niềm đam mê với công việc sale, marketing trong tương lai.

14

Các bạn sinh viên chăm chú nghe Anh Thắng chia sẻ

Đồng thời, những chia sẻ chân thành của Anh Thắng đã giúp chúng em có thêm động lực và sự quyết tâm trong ngành du lịch tiếng Pháp. Thông qua buổi học này, chúng em muốn gửi lời cảm ơn tới các Thầy Cô trong Khoa và các chuyên gia trong ngành du lịch đã tạo điều kiện cho chúng em có được những buổi học đầy thú vị và bổ ích. Chúng em hy vọng rằng trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm nhiều giờ học và trải nghiệm giao lưu với các chuyên gia.

Đoàn Trà My và Trần Thùy Dương – Sinh viên lớp 18F3.DL1

 

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail