Tiếng Việt
French

Cùng chuyên gia Nguyễn Thị Mai – Giám đốc công ty lữ hành ASIA AVENTURA TRAVEL tìm hiểu về “Các vị trí công việc trong công ty du lịch”

Sáng ngày 19/11/2020 tại Phòng hội thảo C3 Khoa Pháp, sinh viên hai lớp chuyên ngành du lịch 18F3.DL1 và 18F4.DL2 đã tham gia buổi học về chủ đề “Các vị trí công việc trong công ty du lịch” (Métiers du tourisme) với Cô Nguyễn Thị Mai – Giám đốc công ty lữ hành ASIA AVENTURA TRAVEL và hai giảng viên, Cô Nguyễn Thu Hà và Cô Đỗ Thanh Thủy.

Ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Mai, Giám đốc công ty lữ hành ASIA AVENTURA TRAVEL

ASIA AVENTURA TRAVEL là một công ty du lịch nổi tiếng chuyên về inbound (khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch) với thị trường chính là các nước châu Âu như Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh. Hiện nay công ty ASIA AVENTURA TRAVEL do Cô Nguyễn Thị Mai điều hành. Cô Mai  là cựu sinh viên khoa Pháp khóa 36, nhiệt huyết với du lịch và đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các vị trí khác nhau trong công ty trước khi trở thành Giám đốc điều hành.

Trong buổi học, sinh viên hai lớp tiếng Pháp chuyên ngành du lịch đã được nghe Cô Mai trình bày về hai mô hình tổ chức chính của các công ty du lịch hiện nay cùng các vị trí công việc cụ thể, đặc biệt là về công việc của nhân viên kinh doanh.

Anh 2

Sinh viên hai lớp 18F3.DL1 và 18F4.DL2 đang chăm chú lắng nghe chuyên gia

B2B hay B2C

Đầu tiên, Cô Nguyễn Thị Mai đã giải thích cho các bạn sinh viên về hai thuật ngữ trong du lịch gồm “B2B” và “B2C”.

B2B (viết tắt từ Business to Business trong tiếng Anh) chỉ các công ty du lịch nhận yêu cầu từ khách thông qua bên trung gian là các công ty đối tác ở nước ngoài.

Còn B2C (viết tắt từ Business to Customer trong tiếng Anh) dùng để nói về các công ty du lịch tiếp cận trực tiếp với khách hàng không thông qua bên thứ ba.

Mô hình tổ chức cơ bản

Theo đó, tuỳ từng công ty lựa chọn B2B hay B2C mà sẽ có mô hình tổ chức khác nhau nhưng nhìn chung đều sẽ gồm những bộ phận cơ bản sau đây:

  • Bộ phận kinh doanh
  • Bộ phận marketing
  • Bộ phận tài chính & kế toán
  • Bộ phận sản phẩm
  • Bộ phận chăm sóc khách hàng
  • Bộ phận điều hành tour
  • Bộ phận hành chính – nhân sự, IT

Giám đốc điều hành / Chủ doanh nghiệp

Bộ phận Kinh doanh Bộ phận Marketing Bộ phận

Tài chính

& Kế toán

Bộ phận

Sản phẩm

Bộ phận Chăm sóc khách hàng Bộ phận Điều hành Bộ phận Hành chính – Nhân sự, IT

Ở mỗi bộ phận, Cô Mai phân tích cụ thể về nhiệm vụ, yêu cầu tuyển dụng và sự phối hợp trong giải quyết công việc giữa các phòng với nhau.

Ngoài ra với các công ty theo mô hình B2B, sẽ có thêm bộ phận đại diện nước ngoài chuyên phụ trách mảng hợp tác với các công ty ở những thị trường khác.

Đồng thời Cô cũng nhấn mạnh rằng đối với các công ty theo mô hình B2C thì do đặc thù tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên hai bộ phận marketing cũng như chăm sóc khách hàng có phần được chú trọng hơn so với mô hình còn lại.

Làm thế nào để trở thành nhân viên kinh doanh trong các công ty du lịch?

Từ kinh nghiệm quản lý công ty lữ hành, Cô Mai đã giới thiệu cho các bạn sinh viên về nhiệm vụ, yêu cầu năng lực cũng như cơ hội thăng tiến đối với vị trí nhân viên kinh doanh trong công ty du lịch.

Nhân viên kinh doanh là ai ?

Nhân viên kinh doanh là những người làm công việc bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch cho khách hàng thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến (qua email, điện thoại hay qua các ứng dụng, phần mềm, nền tảng trực tuyến…)

Nhân viên kinh doanh làm những công việc gì ?

Các nhân viên kinh doanh sẽ tiếp nhận và xử lí các yêu cầu từ khách hàng, giao dịch với khách hàng để tư vấn về các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp. Khi khách đặt tour thì sẽ xác nhận thu tiền và chuyển thông tin tới các bộ phận liên quan. Đồng thời họ cũng có nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, giải quyết các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình khách đi tour.

Để trở thành nhân viên kinh doanh, đòi hỏi các ứng viên phải có yêu cầu năng lực như thế nào?

Đối với vị trí nhân viên kinh doanh, các nhà tuyển dụng sẽ xét năng lực của ứng viên trên 3 phương diện: kiến thức, kỹ năng và thái độ, tinh thần làm việc.

Về mặt kiến thức, ngoài trình độ ngoại ngữ cần thông thạo cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, mỗi nhân viên kinh doanh cũng phải nắm rõ các sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như đặc thù và nhu cầu của khách hàng.

Về mặt kỹ năng, công việc này đòi hỏi các nhân viên phải sở hữu các kỹ năng giao tiếp tốt, phân tích, giải quyết vấn đề cùng các kỹ năng chuyên môn khác sẽ được đào tạo trong quá trình làm việc.

Về mặt thái độ, tinh thần làm việc, không chỉ ở vị trí nhân viên kinh doanh mà ở bất cứ vị trí nào thì nhân viên trong ngành du lịch cũng cần duy trì thái độ trung thực, thẳng thắn ; tinh thần cầu tiến, ham học hỏi cũng như sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp xung quanh.

Cơ hội phát triển nghề nghiệp của nhân viên kinh doanh ra sao?

Sau một thời gian làm việc ở bộ phận Kinh doanh, những nhân viên ưu tú có thể có cơ hội giữ các vị trí cao hơn như trưởng nhóm, quản lý, trưởng phòng, giám đốc điều hành…

Anh 3

Chuyên gia đang nhận xét, góp ý về phần thực hành của các sinh viên

Khép lại buổi học, sinh viên hai lớp chuyên ngành du lịch khóa QH.2018 đã có cơ hội được nghe chuyên gia Nguyễn Thị Mai chia sẻ về những kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu trong lĩnh vực du lịch, nhờ đó giúp các bạn sinh viên vừa củng cố kiến thức cả về lý thuyết và thực hành vừa nhận thức rõ ràng hơn về định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Nguyễn Phương Linh – Sinh viên lớp 18F3.DL1

Bài viết liên quan
FacebookTwitterGoogle+Google Gmail